Thông báo về hoạt động của Liên Chi Hội Tiêu Hóa TP.HCM
HỘI THẢO ONLINE THỨ 4 NGÀY 19/01/2022
Kính chào Quý đồng nghiệp!
LCH Tiêu hóa TPHCM xin thông báo đến Quý đồng nghiệp buổi webinar với chủ đề “Chuyển sản ruột ở dạ dày phân tầng nguy cơ và hướng xử trí” do PGS.TS.BS QUÁCH TRỌNG ĐỨC trình bày sẽ diễn ra vào thứ 4 ngày 19/01/2022 lúc 11g – 12g.
Để có thể tham dự buổi webinar này, Quý đồng nghiệp vui lòng làm theo các bước hướng dẫn đăng nhập (đính kèm file).
Trân trọng kính chào.
P/s: Hội thảo KHÔNG cấp CME.
THÔNG BÁO: Điều kiện để tham dự Hội nghị Tiêu Hóa toàn quốc
THÔNG BÁO
V/v: Điều kiện để tham dự Hội nghị Tiêu Hóa toàn quốc
Kính gửi Quý đồng nghiệp,
Liên chi Hội khoa học Tiêu hóa TPHCM xin thông báo đến quý đồng nghiệp về điều kiện cần thiết để có thể tham dự trực tiếp Hội nghị Tiêu hóa toàn quốc tại Trung tâm hội nghị – Bệnh viện TWQĐ 108 như sau: Quý đồng nghiệp cần có đủ 2 điều kiện: (1) Đã chích ngừa 2 mũi vắc xin ngừa SARS-COV2 và (2) Xét nghiệm PCR SARS-COV2 âm tính.
Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch covid-19, xin Quý đồng nghiệp lưu ý tuân thủ 5K và luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham dự hội nghị. Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 17-18/12/2021 Tại: Bệnh Viện Quân Y 108- Hà Nội Rất mong được đón tiếp và tham gia nhiệt tình của quý đồng nghiệp.
Trân trọng kính chào
Chủ Tịch LC Hội KH Tiêu Hoá TP HCM
đã ký
THÔNG BÁO VỀ HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ TƯ VẤN CHO BỆNH NHÂN GERD
Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân GERD với sự đồng hành của công ty Astrazeneca Việt Nam. Hình thức: Mỗi tuần/lần nhóm phụ trách sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến GERD cho bệnh nhân thông qua website của Hội (www.agh.vn).
Nhóm phụ trách:
1) BS.CKII Lê Đình Quang – BM Nội ĐHYD TPHCM
2) ThS. BS. Võ Phạm Phương Uyên – BM Nội ĐHYD TPHCM
3) ThS. BS. Lưu Ngọc Mai – BM Nội ĐHYD TPHCM
4) ThS. BS. Đoàn Hoàng Long – BM Nội Trường Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Với mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân thông qua việc cung cấp thông tin hữu ích cho bệnh nhân GERD, rất mong quý đồng nghiệp phổ biến rộng rãi thông tin này đến các bệnh nhân GERD.
Trân trọng cám ơn.
HỘI NGHỊ KHOA HỌC TIÊU HÓA TOÀN QUỐC NĂM 2021
Ngày 17 – 18/12/2021 – Trung tâm Hội nghị – Bệnh viện TWQĐ 108
THÔNG BÁO VỀ VIỆC GỬI BÁO CÁO KHOA HỌC
Hội Khoa học Tiêu hóa TP. Hồ Chí Minh đề nghị Quý đồng nghiệp quan tâm tích cực hưởng ứng và đăng ký tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị. Chi tiết đăng ký và gửi bài như sau:
Đăng ký gửi tóm tắt (abstract): Hạn cuối ngày 30/10/2021
Đăng ký gửi bài toàn văn: Hạn cuối ngày 15/11/2021
Đăng ký tham dự hội nghị: Hạn cuối ngày 30/11/2021
(Hội viên: 200.000 VND; chưa là Hội viên: 500.000 VND)
Địa chỉ email gửi bài (khu vực phía nam)
BS.CKII Lê Đình Quang: dinhquangledr@yahoo.com
Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM ra mắt Ban chấp hành mới
Ngày 11/4, Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM (AGH) tổ chức Đại hội lần thứ VI thành công tốt đẹp. Hơn 110 đại biểu tham dự đại hội đã nhất trí bầu chọn Ban chấp hành mới gồm 12 thành viên. BS.CKII Trần Kiều Miên được đại hội tin tưởng, trao gửi trọng trách Chủ tịch, giúp AGH phát triển lên tầm cao mới trong nhiệm kỳ 2020- 2025.
AGH được thành lập vào năm 2011, hoạt động trực thuộc Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam (VNAGE) với tư cách “Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa”. Liên chi hội có 3 chi hội cơ sở, bao gồm Chi hội Nội soi miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động độc lập với nhau và trực thuộc Liên chi hội Nội soi Tiêu hóa Việt Nam. AGH còn là thành viên của Hội Y học TP.HCM.
Tại đại hội, TS.BS. Lê Thành Lý (BV Chợ Rẫy TP.HCM)- Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ V, đã điểm lại các thành tựu mà AGH đạt được từ khi thành lập đến nay. Theo đó, AGH định kỳ, thường xuyên tổ chức các hội nghị khoa học với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Gắn với sinh hoạt khoa học nhằm cập nhật kiến thức mới và thực hiễn lâm sàng, AGH đã cấp hơn 2.300 chứng nhận đào tạo liên tục theo đúng quy định của Ngành Y tế.
Đối với sự phát triển của chính mình, AGH suốt thời gian qua đã kết nạp hơn 350 thành viên mới, nâng tổng số hội viên hơn 500 người tính đến thời điểm này. Đặc biệt, từ tháng 6/2018 đến nay, với sự giúp sức từ BS. Nguyễn Xuân Lam (PK Quốc tế Yersin), người đồng thời là một nhà báo, trang thông tin chính thức tại địa chỉ www.agh.vn và fanpage đã đi vào hoạt động. Điều này không chỉ giúp AGH thêm công cụ lan tỏa thông tin đến các thành viên và những người quan tâm đến lĩnh vực khoa học Tiêu hóa, còn thực hiện trực tuyến các hội nghị khoa học, giúp hội viên thuận tiện hơn trong tiếp cận, cập nhật kiến thức mới…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, TS.BS. Lê Thành Lý cũng điểm qua những khiếm khuyết trong nhiệm kỳ vừa qua: Chưa tranh thủ được các cơ hội, nguồn lực từ quốc tế hỗ trợ; Chưa thể hiện được vai trò của AGH so với tiềm năng, thế mạnh; Các thành viên Ban chấp hành chưa hoạt động đều tay, khiến các ủy viên thường vụ… “đuối sức”… Mặc dù Ban chấp hành AGH nhiệm kỳ qua thẳng thắng nhìn nhận các khuyết điểm, song GS.BS. Nguyễn Sào Trung- Phó Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, đã có những đánh giá tích cực về thành viên AGH.
Theo GS. Nguyễn Sào Trung, trong tổng số 67 thành viên thuộc Hội Y học TP.HCM, có khoảng 50 hội hoạt động khoa học thường xuyên và 15 hội hoạt động khoa học rất thường xuyên, trong đó có AGH. GS. Nguyễn Sào Trung nhấn mạnh rằng, các hội nghị khoa học mà AGH tổ chức không chỉ đặc biệt hữu ích với hội viên mà còn có lợi cho cộng đồng. Bởi bên cạnh các kiến thức y khoa chuyên sâu, báo cáo khoa học tại các hội nghị cũng đề cập đến các kiến thức y học phổ quát mà cộng đồng cần và dễ tiếp nhận. Phó Chủ tịch Hội Y học TP.HCM cũng đặc biệt bày tỏ sự tán thành đối với Ban chấp hành nhiệm kỳ VI gồm 12 thành viên, với lời chúc AGH sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong nhiệm kỳ 2020- 2025.
Được biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban chấp hành AGH có 10 thành viên. Nhiệm kỳ này, ngoài BS. Nguyễn Xuân Lam được đề cử bổ sung nhằm gia tăng cơ hội gắn kết truyền thông, còn có PGS.BS. Trần Thị Khánh Tường (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch). PGS.BS. Trần Thị Khánh Tường là chuyên gia y khoa rất kinh nghiệm trong lĩnh vực học thuật, được kỳ vọng sẽ giúp AGH “nới rộng” các sinh hoạt khoa học mang tính quốc tế nhiều hơn.
Chia sẻ với toàn thể đại biểu tham dự hội nghị, BS.CKII Trần Kiền Miên- người được đại hội tin tưởng bầu chọn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AGH nhiệm kỳ 2020- 2025, nói rằng “AGH sẽ nỗ lực khắc phục các khuyết điểm, tồn tại để khẳng định rõ nét hơn nữa vai trò, vị thế trong những năm tới”. Theo tân Chủ tịch, AGH là tổ chức tập hợp mọi người công tác trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa, những người công tác ngoài chuyên ngành nhưng quan tâm đến chuyên ngành này, để cùng hợp tác, cùng hoạt động vì những mục tiêu chung, vừa giúp ngành phát triển vừa giúp nghề của hội viên thêm “chắc tay, nhuần nhuyễn”.
Được biết, AGH nỗ lực hoạt động suốt thời gian qua và trong thời gian tới nhằm thúc đẩy việc áp dụng và phát triển các kỹ thuật nội soi tiêu hóa, hướng đến việc chăm sóc và điều trị người bệnh ngày càng tốt hơn. Cạnh đó là xây dựng các qui trình thực thực hành và đào tạo nội soi tiêu hóa, với các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa ở Việt Nam…
Sau hội nghị, một sinh hoạt khoa học gắn với hình thức đào tạo y khoa liên tục cũng được tổ chức. Với chủ đề: Mối liên quan của acid dịch vị trong các bệnh lý tim mạch và tiêu hóa- từ lý thuyết đến thực tiễn lâm sàng, các chuyên gia đầu ngành sẽ giúp đại biểu tham dự cập nhật kiến thức mới, cũng như nắm rõ “bức tranh toàn cảnh” vấn đề này trong nước cũng như trên thế giới. Được biết, AstraZeneca Việt Nam là đơn vị đồng hành, tài trợ thực hiện hội nghị khoa học này.
DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH NHIỆM KỲ VI (2020-2025)
STT | Họ và Tên | Năm sinh | Nam/ nữ | Ngày vào Đảng | Quê quán | Học hàm , học vị | Chức vụ Hội | Địa chỉ & điện thọai Cơ quan & nhà riêng, Email |
1 | TRẦN KIỀU MIÊN | 1951 | NỮ | 20/08/1990 | BẾN TRE | BS CK II | CHỦ TỊCH | ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP.HCM-217 Hồng Bàng, Quận 5, TP HCM-trankieumien@googlemail. |
2 | LÊ THÀNH LÝ | 1954 | NAM | 04/09/2003 | VĨNH LONG | TS BS | P CHỦ TỊCH | BỆNH VIỆN CHỢ RẪY-201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP HCM-lybvcr@gmail.com |
3 | QUÁCH TRỌNG ĐỨC | 1974 | NAM | QUẢNG NAM | PGS TS BS | P CHỦ TỊCH | ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP.HCM-217 Hồng Bàng, Quận 5, TP HCM- drquachtd@gmail.com | |
4 | LÊ ĐÌNH QUANG | 1983 | NAM | TP.HCM | BS CKII | TỔNG TK | ĐẠI HỌC Y DƯỢC TP.HCM-217 Hồng Bàng, Quận 5, TP HCM- dinhquangledr@yahoo.com | |
5 | PHẠM THỊ NGỌC DUNG | 1966 | NỮ | LONG AN | BS CK I | ỦY VIÊN | BỆNH VIỆN NHIỆT ĐỚI- 764 Võ Văn Kiệt, Quận 5 TP HCM- ngocdung_bvnd@yahoo.com.vn | |
6 | LÊ QUANG NGHĨA | 1949 | NAM | TIỀN GIANG | GS TS BS | ỦY VIÊN | BỆNH VIỆN BÌNH DÂN- 371 Điện Biên Phủ, Quận 3, TP HCM- dinhquangledr@yahoo.com | |
7 | HỒ TẤN PHÁT | 1968 | NAM | 15/06/2010 | BÌNH ĐỊNH | BS CKII | ỦY VIÊN | BỆNH VIỆN CHỢ RẪY-201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP HCM-bsphatcr@gmail.com |
8 | NGUYỄN ĐĂNG SẢNG | 1948 | NAM | 21/12/1970 | HÀ NỘI | BS CKII | ỦY VIÊN | BỆNH VIỆN MEDIC HÒA HẢO- 254 Hòa Hảo, Quận 10, TP HCM- dr.nguyendangsang@gmail.com |
9 | TRẦN HÀ HIẾU | 1969 | NAM | 09/09/1997 | HÀ TĨNH | TS BS | ỦY VIÊN | BỆNH VIỆN QUÂN Y 175- 1 Nguyễn Thái Sơn, P5, Gò Vấp- tranhieu175@yahoo.com.vn |
10 | NGUYỄN SƠN TỊNH | 1984 | NAM | BÌNH ĐỊNH | CNĐD | ỦY VIÊN | PK ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN- Số 10 Trương Định, P6, Quận 3, TPHCM- sontinhendo@gmail.com | |
11 | NGUYỄN XUÂN LAM |
1952 | NAM | 31/12/1977 | HÀ TĨNH | BS | ỦY VIÊN | PK ĐA KHOA QUỐC TẾ YERSIN- Số 10 Trương Định, P6, Quận 3, TPHCM- xuanlam@yersinclinic.com |
12 | TRẦN THỊ KHÁNH TƯỜNG |
1970 | NỮ | 04/04/2012 | Quảng Trị | PGS TS BS |
ỦY VIÊN | TRƯỜNG ĐHYK PHẠM NGỌC THẠCH- Số 2 Dương Quang Trung, P12, Quận 10, TP HCM- drkhanhtuong@gmail.com |
Mimosa Nguyễn
Nghệ thuật phối hợp thuốc PPI trong các bệnh lý tiêu hóa và tim mạch
Kể từ khi thuốc ức chế bơm proton thế hệ đầu tiên được giới thiệu vào năm 1988, nhóm thuốc này đã trở thành lựa chọn đầu tay trong điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và những rối loạn liên quan đến việc tiết acid dịch vị. Hiện nay, nó còn giúp giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa sau can thiệp mạch vành qua da.
- Thuốc ức chế bơm proton – Những bước tiến vững chắc hơn 3 thập kỷ qua
Đây là chủ đề được BS.CK2 Trần Kiều Miên – Chủ tịch Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM báo cáo tại hội thảo “Mối liên quan của acid dịch vị trong các bệnh lý tim mạch và tiêu hóa – Từ lý thuyết đến thực tiễn lâm sàng” diễn ra vào ngày 11/4/2021, mang lại góc nhìn tổng quan về PPI trong điều trị các bệnh lý liên quan acid dịch vị. Qua đó có những khuyến cáo cụ thể và mới mẻ khi thực hành lâm sàng.
Trong chuyên ngành tiêu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan tới acid dạ dày luôn là một việc hay gặp và cần thiết. Các bệnh có liên quan đến acid dạ dày là kết quả những cơ chế sinh bệnh khác biệt nhưng chồng chéo nhau dẫn đến sự bài tiết acid thái quá hay làm suy giảm sự bảo vệ niêm mạc.
Hậu quả của nó là biểu hiện những bệnh phổ biến hiện nay như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa thường gặp trên thực tế hàng ngày mà tùy tính chất mạn tính của nó sẽ gây thiệt hại tốn kém đáng kể cho gia đình và xã hội. Song song đó có những yếu tố tác động vào làm tăng tiết acid dịch vị như thuốc NSAIDs, nhiễm Helicobacter Pylori (H.Pylori) hoặc do stress, trầm cảm…
Nếu các thuốc đối kháng thụ thể H2 ra đời được xem là một cuộc cách mạng thì sự phát hiện ra các thuốc ức chế bơm proton (PPI) tác động lên các hệ thống vận chuyển ion được ví như bước tiến nhảy vọt trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến acid dạ dày.
Theo BS Kiều Miên, quá trình phát minh PPI đã có những bước tiến mạnh mẽ kể từ khi ra đời năm 1988 với phân tử của omeprazole, các thay đổi tiếp theo đã dẫn đến sự ra đời của lansoprazole năm 1991, pantoprazole năm 1994, rabeprazole năm 1999 và esomeprazole năm 2000.
Hiện nay, PPI được dùng rộng rãi hơn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu so với các nhóm thuốc khác trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tăng tiết acid dịch vị. Song, không phải tất cả các PPI đều như nhau, có sự khác nhau về cấu trúc, dược động học, chuyển hóa qua gan, tốc độ hoạt hóa tại bơm proton, vị trí liên kết trên bơm proton và hiệu quả kiểm soát acid dịch vị giữa các PPI.
Dựa trên các nghiên cứu đưa ra tại buổi hội thảo, BS Kiều Miên cho rằng, trong các thuốc PPI, khả dụng sinh học của esomeprazole với liều dùng 40mg là 89%, mang đặc tính ưu việt đạt cao nhất với thời gian, sự đào thải, thời gian bán hủy của thuốc, tốc độ hoạt hóa cũng như tác động ức chế acid dịch vị. Cũng với liều lượng này của esomeprazole, so với các dòng khác của PPI, thời gian nâng và duy trì pH dịch vị > 4 lên đến 15,3 giờ, chiếm khoảng 64% thời gian trong ngày.
“Thời gian duy trì khống chế acid clohydric càng lâu, hiệu quả điều trị càng tốt. Các bệnh lý khác nhau yêu cầu mức độ acid dịch vị cũng khác nhau. Chẳng hạn nếu muốn lành loét tiêu hóa cần nâng pH lên 3, trào ngược thực quản (lành viêm xước) cần nâng pH lên 4, tiệt trừ H.Pylori bắt buộc đưa pH 5 và xuất huyết tiêu hóa đưa pH lên 6” – BS Kiều Miên nói.
Đi cụ thể vào từng mặt bệnh, BS Kiều Miên chia sẻ, trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản không kèm viêm xước thực quản (NERD) hay kèm viêm xước thực quản (GERD), liều chuẩn PPI đều đóng vai trò quan trọng giúp đạt được các mục tiêu điều trị và kiểm soát triệu chứng hiệu quả. Đặc biệt, trong GERD khi so sánh với các PPI khác, esomeprazol làm lành viêm xước thực quản sớm, sau 4 tuần điều trị đã cho tỉ lệ lành viêm lên đến 98%, nhưng phải với liều lượng 40mg. Vì vậy, BS Kiều Miên đề nghị, nếu bệnh nhân bị GERD thực sự, có tổn thương thì nên điều trị esomeprazol liều 40mg tối thiểu trong 8 tuần.
BS Kiều Miên cũng đưa ra khuyến cáo liều dùng của PPI cũng như các xét nghiệm chẩn đoán khi cần thiết trong việc điều trị GERD kháng trị, với triệu chứng điển hình nhất là ợ nóng, nhằm mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Cùng với đó, việc sử dụng PPI duy trì với esomeprazol còn có thể giải quyết vấn đề phòng ngừa thực quản Barrett’s – tiền đề của ung thư thực quản và chỉ khi nào thuốc không hiệu quả mới cần đến sự trợ giúp của các nhà ngoại khoa để phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản.
Ngoài ra, BS Kiều Miên cũng nhắc đến vấn đề phòng ngừa ung thư biểu mô thực quản bằng việc sử dụng esomeprazol 40mg ngày 2 lần kèm với 300mg aspirin, song bà nhấn mạnh đây là khuyến cáo của thế giới, bởi còn liên quan đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa do loét, do đó tại Việt Nam cần có sự đồng thuận của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam để tiếp tục bàn luận.
Bên cạnh trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm H.Pylori cũng liên quan lớn đến nồng độ acid clohydric gây tổn thương trầm trọng, biến chứng lâu dài cho bệnh nhân. “Điều đáng lưu ý, tại nước ta có đến khoảng 80% dân số nhiễm H.Pylori và phải đối mặt với tình trạng đề kháng kháng sinh, hiện chỉ 2 nhóm amoxicillin và tetraxycline có tỷ lệ đề kháng thấp, còn cho hiệu quả điều trị” – BS Kiều Miên cho biết.
Trước tình trạng này, duy trì pH dịch vị trong mức lý tưởng là cơ sở nền tảng để điều trị tiệt trừ H.Pylori, giúp nâng cao hiệu quả của kháng sinh. “Sự phát triển của H.Pylori phụ thuộc vào pH dịch vị và điều trị là tiệt trừ tại chỗ, không đi vào máu. Do đó, điều quan trọng là phải làm cho kháng sinh ở lại dạ dày càng lâu càng tốt”.
Để đạt được điều này cần phải dùng PPI hiệu quả để đưa H.Pylori về dạng không hoạt động, giúp giảm tải lượng và ức chế được vi khuẩn, có như vậy thuốc kháng sinh mới có hiệu quả. Mặt khác, phải lưu ý người bệnh sử dụng kháng sinh sau ăn để thuốc có thể ở dạ dày lâu hơn, vì khi uống lúc đói thuốc sẽ xuống ruột non nhanh hơn. Hơn nữa, PPI đưa pH lên có thể làm các chủng vi khuẩn phát triển quá mức và giảm thoái giáng của các globulin miễn dịch, ức chế acid làm tăng tính thấm của lớp nhầy ở dạ dày đối với kháng sinh” – BS Kiều Miên chia sẻ thêm.
5 nguyên tắc vàng cho chiến lược điều trị H.Pylori mà vị chuyên gia này nhấn mạnh đó là, ưu tiên phác đồ 4 thuốc (3 kháng sinh + 1 PPI liều cao), ức chế acid dịch vị tối đa với thuốc ức chế bơm proton thích hợp, thời gian điều trị đủ 14 ngày hoặc 10 ngày nếu địa phương đã có chứng minh có hiệu quả, không sử dụng lại một số kháng sinh nếu đã từng sử dụng và thất bại và cuối cùng là luôn tham khảo số liệu đề kháng kháng sinh tại địa phương để lựa chọn thuốc.
Vấn đề cuối cùng được BS Kiều Miên nhắc đến trong phần báo cáo là PPI và vấn đề điều trị xuất huyết tiêu hóa. Đối với tình trạng này, đòi hỏi nâng pH dịch vị nhanh và kéo dài, trong đó đáng chú ý trong các nghiên cứu cho thấy esomeprazol có khả năng nâng pH > 4 ngay trong 1 giờ đầu sau khi sử dụng thuốc và đặc biệt khi sử dụng ở liều cao giúp giảm 43% nguy cơ tái xuất huyết trong 72 giờ và duy trì lên đến 30 ngày.
- Gánh nặng GERD biểu hiện ngoài thực quản gấp gần 6 lần GERD
Tiếp tục đi sâu hơn về bệnh lý GERD biểu hiện ngoài thực quản, mặc dù vấn đề này không còn quá mới lạ, song PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường – Phó Trưởng khoa Y, Trưởng Bộ môn Nội trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch lại đưa đến cho hội thảo những luận cứ, quan điểm mới trong chẩn đoán và quản trị, được y khoa thế giới cập nhật liên tục.
Bài báo cáo “Chẩn đoán và quản trị GERD biểu hiện ngoài thực quản” của BS Khánh Tường bao gồm 2 phần. Trong đó, phần 1 giới thiệu chung về GERD ngoài thực quản như phân loại, tần suất, cơ chế, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, các phương pháp điều trị.
BS Khánh Tường mở đầu, ngoài các triệu chứng và biến chứng ở thực quản, 1/3 bệnh nhân GERD có biểu hiện ngoài thực quản, thường gặp nhất là các biểu hiện ở tai mũi họng và đường hô hấp. Nhưng hầu hết các bệnh nhân thường không có triệu chứng điển hình của GERD (20-60% bệnh nhân GERD có triệu chứng ngoài thực quản không có triệu chứng điển hình như ợ nóng), điều này đưa đến thách thức trong chẩn đoán.
Hơn nữa, vì thiếu sự hướng dẫn và đồng thuận nên chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị tăng lên trở thành gánh nặng y tế. “Chi phí chẩn đoán và điều trị những bệnh nhân GERD có biểu hiện ngoài thực quản, gấp 5,6 lần so với những bệnh nhân GERD” – BS Khánh Tường dẫn chứng.
Vấn đề ở chỗ, chẩn đoán GERD ngoài thực quản không đơn giản, phải loại trừ các nguyên nhân khác và không có “tiêu chuẩn vàng” giống như GERD. Test PPI thường là bước chẩn đoán đầu tiên, hầu như được khuyến cáo cho tất cả những biểu hiện ngoài thực quản liên quan đến trào ngược. Cùng với đó, việc theo dõi pH thực quản 24 giờ cũng mang lại giá trị chẩn đoán tốt, thường được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng test PPI và khi chẩn đoán GERD không chắc chắn, là phương tiện duy nhất có khả năng đánh giá mối liên quan giữa trào ngược với triệu chứng trào ngược, vì vậy hữu ích trong việc phát hiện các biểu hiện ngoài thực quản liên quan đến GERD.
Đối với việc điều trị, BS Khánh Tường dẫn khuyến cáo của Hiệp hội Tiêu hoá Hoa kỳ (AGA) 2018 cho thấy PPI vẫn là thuốc nền tảng, thuốc chính trong điều trị GERD, GERD ngoài thực quản. PPI liều chuẩn 2 lần/ ngày được khuyến cáo cho các biểu hiện GERD ngoài thực quản, nên xem xét đặc biệt ở những bệnh nhân có các triệu chứng GERD điển hình hoặc những bệnh nhân đã được đánh giá kỹ lưỡng và điều trị cho các nguyên nhân khác ngoài GERD.
Phần 2 của phần báo cáo, BS Khánh Tường đi sâu hơn về phương pháp chẩn đoán và điều trị một số hội chứng GERD ngoài thực quản thường gặp như trào ngược thanh quản họng, ho mạn, hen và bào mòn răng. Trong đó, đặc biệt đưa ra các khuyến cáo dựa trên các nghiên cứu trên thế giới nhấn mạnh vai trò và tính hiệu quả của PPI, cụ thể là esomeprazol trong vấn đề điều trị.
Chẳng hạn, với trào ngược thanh quản họng, trên nghiên cứu esomeprazol với liều 20mg ngày 2 lần trong 4-12 tuần giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng. Với ho mạn (ho kéo dài trên 8 tuần) liên quan đến GERD, sau khi điều trị bằng PPI có đến 79% bệnh nhân cải thiện triệu chứng, giúp xác định chẩn đoán. Trong khi các triệu chứng trào ngược thường hết sau 4-8 tuần điều trị, song các chứng cứ cho thấy việc cải thiện tình trạng ho có thể kéo dài thời gian sử dụng PPI lên đến 3 tháng. Tuy một vài nghiên cứu cho thấy PPI 1 lần/ ngày có hiệu quả không khác 2 lần/ ngày, một số chuyên gia đề nghị dùng PPI liều chuẩn 2 lần/ ngày. Trong những trường hợp kháng PPI, bổ sung thuốc chẹn H2 và/ hoặc baclofen có thể có hiệu quả.
“Hen có mối quan hệ mật thiết với GERD. Ước tính tần suất GERD trên bệnh nhân hen rất rộng 30-90%. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp gồm 28 nghiên cứu trên bệnh nhân bị hen ghi nhận 59% có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, 51% test pH thực quản 24 giờ bất thường, 51% có thoát vị hoành và 37% có viêm thực quản. Đây là những con số ấn tượng khi tiếp cận bệnh nhân hen” – BS Khánh Tường đánh giá.
Đối với những bệnh nhân bị hen có triệu chứng của GERD, khởi điểm vẫn là PPI liều 2 lần/ ngày trước ăn sáng và tối 30-60 phút trong 3 tháng kết hợp thay đổi lối sống. Nếu cải thiện hen sẽ giảm liều PPI, có thể kéo dài hay ngưng tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Nhưng nếu không thành công, cần phối hợp 2 chuyên khoa Hô hấp và Tiêu hóa để đánh giá và tiếp tục điều trị. Tương tự, trong các nghiên cứu ghi nhận trong nhóm PPI, esomeprazol không chỉ hiệu quả với triệu chứng trào ngược mà còn giúp cải thiện chức năng phổi và chất lượng cuộc sống liên quan đến hen.
Bên cạnh đó, vấn đề bào mòn răng cũng thường gặp trên bệnh nhân GERD, theo thống kê tần suất dao động từ 5%-47,5%, cao hơn so với người khỏe mạnh. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống như tránh thực phẩm có tính axit, giàu chất béo và đường (kẹo chua, đồ ăn nhẹ cay, mặn, đồ uống có ga, nước tăng lực, đồ uống thể thao), ngừng hút thuốc và vệ sinh răng miệng tốt thì hiện nay các hướng dẫn đề xuất người bệnh nên được sử dụng PPI liều chuẩn 2 lần mỗi ngày ở những bệnh nhân có biểu hiện ở miệng nghi ngờ liên quan đến GERD.
- Nghệ thuật phối hợp thuốc PPI trên bệnh nhân tim mạch giúp tối ưu hóa điều trị
Chương trình hội thảo lần này còn mời chuyên gia tim mạch mang đến “làn gió mới” cho thấy sự đa dạng các chủ đề của Liên chi hội khoa học Tiêu hóa TPHCM.
“Nghệ thuật phối hợp thuốc PPI trên bệnh nhân tim mạch nhằm tối ưu hóa điều trị” là vấn đề được TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch – Bệnh viện Chợ Rẫy lựa chọn để bàn luận trong chương trình.
Theo TS Thượng Nghĩa, trong bệnh tim mạch, bệnh mạch vành là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam năm 2017, có khoảng 2 triệu toa thuốc bệnh mạch vành. Trong đó, can thiệp mạch vành qua da (PCI) đã và đang là cuộc cách mạng điều trị bệnh mạch vành, mang ý nghĩa quan trọng trong việc làm giảm tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, khi PCI càng mở rộng, nguy cơ xuất huyết do dùng các thuốc chống đông và chống kết tập tiểu cầu ngày càng tăng, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa.
Trong các hướng dẫn mới nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ, châu Âu người ta thấy rằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép aspirin, phối hợp với thuốc ức chế P2Y12 gồm 3 thứ clopidogrel, prasugrel và ticagrelor bắt buộc phải dùng 12 tháng. Khi dùng càng dài bao nhiêu thì nguy cơ xuất huyết càng nhiều bấy nhiêu. Song, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của 2 nhóm thuốc này giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tim mạch thời nay.
TS Thượng Nghĩa dẫn chứng: “Sau khi đặt stent không dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu thì nguy cơ biến cố tim mạch do huyết khối vượt trội nguy cơ xuất huyết và tập trung chủ yếu trong 30 ngày sau can thiệp mạch vành qua da (PCI). Đặc biệt, trong 7 ngày đầu tiên nguy cơ biến cố nhồi máu cơ tim sau đặt stent can thiệp rất nặng nề với hơn 50%, nghĩa là cứ trong 2 người sẽ có 1 người tử vong”.
Như vậy, rõ ràng để “đánh đổi” nguy cơ này phải chấp nhận gia tăng nguy cơ xuất huyết. Trong các nghiên cứu ở châu Á cho thấy, những người có yếu tố xuất huyết cao là người có tiền căn xuất huyết trước đó, lớn tuổi hoặc sử dụng thuốc kháng đông, thuốc steroid, NSAIDs kèm theo và điểm quan trọng là nhiễm H. pylori.
PPI đường tĩnh mạch là thuốc chủ yếu trong điều trị xuất huyết tiêu hóa gồm pantoprazole, esomeprazole, omeprazole nhưng không thể thay thế can thiệp nội soi trong đa số trường hợp.
“Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có nhồi máu cơ tim dù đặt stent hay không đặt stent chúng tôi cũng đưa đi nội soi trong vòng 24 giờ tại phòng mổ. Nếu cầm máu thì vẫn tiếp tục dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép, kháng đông bình thường, nếu không thì truyền PPI liều cao, cho đến nay đều được ghi nhận kết quả tốt” – TS Thượng Nghĩa dẫn chứng.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy các PPI không làm thay đổi kết cục điều trị trên lâm sàng, không làm gia tăng biến cố tim mạch. Với bệnh nhân có nguy cơ cao xuất huyết tiêu hóa như cao tuổi, đồng thời sử dụng thêm warfarin, steroids hay NSAIDs… việc sử dụng PPI là phù hợp, trong đó, ưu tiên sử dụng esomeprazole.
Bên cạnh đó, không phải tất cả các PPI đều tương tác với clopidogrel giống nhau. Theo FDA, hiện chỉ khuyến cáo một số PPI được chọn lựa khi kết hợp với clopidogrel như esomeprazole, chứ không tất cả các loại PPI.
“Mặt khác, trong ngành Tim mạch, bên cạnh clopidogrel để tránh hiện tượng đề kháng người ta sử dụng những thuốc thế hệ mới mạnh hơn, đó là Prasugrel hay Ticagrelor” – TS Thượng Nghĩa cho biết.
Phương Nguyên – Ảnh: Lê Bình
Đại hội Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM nhiệm kỳ VI, 2020 – 2025
Sáng 11/4/2021, sau 3 lần trĩ hoãn vì đại dịch COVID-19, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 – 2025) để đánh giá kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ kỳ tới và bầu Ban chấp hành mới có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo Liên chi hội.
Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM không những được những nhà chuyên môn tại TPHCM tin tưởng, ủy nhiệm mà còn được Hội Y học TPHCM đánh giá cao với những hoạt động mạnh mẽ và nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị.
Tham dự Đại hội, GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung – Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết, ông rất tự hào về sự phát triển, nỗ lực của các đồng nghiệp trong Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM trong nhiệm kỳ vừa qua.
GS Sào Trung nhìn nhận một cách khách quan: “Đây là một trong những Liên chi Hội hoạt động rất thường xuyên, sôi nổi, mang lại lợi ích cho cả hội viên lẫn cộng đồng. Nhiều chương trình hội thảo với các chủ đề nóng hổi đẩy mạnh về tiêu hóa luôn được cập nhật cho các y bác sĩ”. Trong tương lai, Phó Chủ tịch Hội y học TPHCM kỳ vọng Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh với một ban chấp hành mới, đầy năng lượng trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Khẳng định vai trò trung tâm, đáng tin cậy trong chuyển giao kiến thức cập nhật về tiêu hóa
Tại Đại hội, TS.BS Lê Thành Lý – Phó Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM thay mặt Đoàn Chủ tịch báo cáo tổng kết chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2015 – 2020, Liên chi hội đã đạt được nhiều thành tựu mới, khẳng định được vai trò trung tâm đáng tin cậy trong việc chuyển giao các kiến thức cập nhật trong lĩnh vực tiêu hóa, góp phần quan trọng trong việc đào tạo được các Hội viên có kiến thức chuyên môn tốt.
Kế thừa truyền thống của những trang sử trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, 5 năm vừa qua Liên Chi hội luôn phấn đấu nhằm mục đích nâng cao chất lượng cập nhật kiến thức chuyên môn cho hội viên và các đồng nghiệp có quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa. Đồng thời cố gắng phát triển các mối quan hệ kết nối với các Hội tiêu hóa trong khu vực trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.
TS.BS Lê Thành Lý chia sẻ: “Liên Chi hội đã tạo dựng được những thành công nhất định trong 5 năm vừa qua. Về lề lối làm việc, chúng tôi nghiêm túc, công khai, thực hiện dân chủ trong sinh hoạt hội. Về lãnh đạo, nhờ sự đẩy mạnh thiết kế của BS.CK2 Trần Kiều Miên và ban chấp hành đã xây dựng được logo cho Hội; có cổng thông tin điện tử của hội thông qua website, fanpage; quản lý hội viên qua mạng, thư mời điện tử qua email.
Cùng với đó, ban chấp hành và hội viên thực hiện đúng điều lệ hội, chủ động tham gia tư vấn, phản biện các vấn đề sức khỏe, phát triển các hoạt động khoa học, phổ biến kiến thức mới, bồi dưỡng đào tạo cán bộ.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Liên Chi hội không ngừng phát triển, mở rộng thêm 300 hội viên mới, đưa từ con số 150 lên đến 500 hội viên, điều này thể hiện việc đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các nhà khoa học và cũng là sự phản ứng tích cực với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế”.
Về công tác khoa học, bồi dưỡng cán bộ và phổ biến kiến thức, Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đảm nhận công tác bồi dưỡng chuyên môn sau đại học cho cả khu vực TPHCM và cho các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ do hiện tại chưa có các Hội chuyên ngành của các địa phương nói trên trong lĩnh vực tiêu hóa.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho không chỉ các hội viên mà cả cho các đồng nghiệp có quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa ở các tỉnh lân cận, trên tinh thần cập nhật định kỳ các kiến thức chuyên ngành tiêu hóa, Hội định kỳ tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học tại TPHCM và luân chuyển ở các tỉnh thành xung quanh với chuyên đề về tiêu hóa hoặc gan mật.
Trong đó, có nhiều chuyên đề nổi trội được báo cáo như Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Tiếp cận chẩn đoán và điều trị, GERD kháng trị; Rối loạn vận động dạ dày; Điều trị ung thư dạ dày giai đoan sớm; Điều trị sỏi mật qua nội soi; Xuất huyết tiêu hoá do vỡ dãn giãn tĩnh mạch thực quản: Xử trí điều trị cấp cứu… Đặc biệt, Hội luôn cập nhật kiến thức, xu hướng mới về tiêu hóa trên thế giới về Việt Nam, điển hình như các chuyên đề: Điểm nổi bật trong Tuần lễ Tiêu Hoá Mỹ 2017 và năm 2018.
Không chỉ mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước, Hội còn quy tụ dàn chuyên gia tiêu hóa nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật kiến thức, với số lượng người tham dự mỗi chương trình hội nghị lên đến 300-500 trong mục tiêu đào tạo y khoa liên tục (CME).
TS.BS Lê Thành Lý thông tin, trong 5 năm vừa qua, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã tổ chức 35 buổi hội thảo (trung bình 5 buổi/năm), trình bày 61 bài báo cáo hơn 5.000 lượt hội viên tham dự, đồng thời xem xét cấp 4.071 giấy chứng nhận đào tạo liên tục theo quy định của Bộ Y tế.
Liên Chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM hòa nhịp thời đại “thế giới phẳng 4.0”
Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Hội tiếp tục duy trì hợp tác với quỹ học bổng Takeda nhằm mang đến cơ hội nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa cho các bác sĩ, giao lưu – chia sẻ kinh nghiệm với nhiều quốc gia trên thế giới.
Điển hình như trong nhiệm kỳ thứ 5, Liên chi hội đã xem xét 2 hồ sơ, cử 2 lượt hội viên theo chương trình quỹ học bổng quốc tế Takeda – Nhật Bản. Và để đẩy mạnh đối ngoại, Hội cử PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đi báo cáo nước ngoài, viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Y học uy tín trên thế giới.
Về công nghệ thông tin, báo chí, bắt kịp thời đại “thế giới phẳng 4.0” cho lĩnh vực y tế, được sự hỗ trợ của nhà báo – BS Nguyễn Xuân Lam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin, website của Hội Khoa Học Tiêu Hóa đi vào họat từ tháng 10/2018, bước đầu phổ biến các vấn đề cơ bản về tổ chức quản lý Hội viên, tiến tới phổ biến các vấn đề thời sự Y học.
Trong giai đoạn này, các buổi hội thảo của Hội được phát trực tiếp trên fanpage với sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tiếp nhận kiến thức y khoa, chia sẻ kinh nghiệm hiện đại. Hiện nay, website của Hội đang tiếp tục kiện toàn để có cán bộ phụ trách và bổ sung thêm mục hỏi đáp.
Về Công tác xã hội – từ thiện, Liên chi hội đã đóng góp 15 triệu đồng xây cầu nông thôn cho vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn ở Mộc Hóa, Long An. Riêng năm 2020, ủng hộ xã hội từ thiện 38,1 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng cùng Hội Y Học TPHCM hỗ trợ cho tuyến đầu chống COVID-19 và 18,1 triệu đồng gửi Hội Y Học hỗ trợ đồng bào Miền Trung bị lũ lụt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm cần được khắc phục. TS.BS Lê Thành Lý nhìn nhận một cách toàn diện: “Các ủy viên ban chấp hành hoạt động không đều tay. Ban chấp hành, ban thường vụ ít khi sinh hoạt có đầy đủ thành viên, phần lớn các hoạt động dựa vào ban thường trực của hội. Qua nhiệm kỳ này, xét tính chất công việc của ban chấp hành Hội, cần bổ sung vào điều lệ chính thức có ban thường trực của hội trong các ban chuyên trách và đẩy mạnh cơ cấu của ban chấp hành.
Về hoạt động khoa học kỹ thuật, mặc dù ban chấp hành hội có đề ra một số chủ đề và khuyến khích hội viên tham gia các hoạt động khoa học chung. Tuy nhiên cũng chưa có sự phối hợp tốt để giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật và tiến bộ xã hội đặt ra cho ngành y tế thành phố.
Về công tác hợp tác quốc tế, cũng chưa mở rộng đúng tầm của hội vốn có tiềm năng to lớn, chưa tranh thủ được các dự án phi chính phủ nước ngoài do Hội y học triển khai. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng Hội vẫn chưa thể hiện được vị trí, vai trò của Hội lớn trong Hội y học TPHCM, có tiềm năng về nhân lực, trí lực và hàng đầu trong cả nước về tiêu hóa. Với nhiệm kỳ mới chúng tôi cần thẳng thắn về những thiếu sót còn tồn tại để hành động thực tế và hiệu quả hơn cho sự phát triển của hội và lợi ích của cộng đồng”.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025 đầy thách thức nhưng vẫn vững bước đẩy mạnh, kiện toàn
Cũng trong ngày hôm nay, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã họp và bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 với 12 người như sau: BS.CK2 Trần Kiều Miên, TS.BS Lê Thành Lý, PGS.TS.BS quách Trọng Đức, GS.TS.BS Lê Quang Nghĩa, BS.CK2 Nguyễn Đăng Sảng, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường, TS.BS Trần Hà Hiếu, BS.CK2 Hồ Tấn Phát, BS Phạm Thị Ngọc Dung, BS Nguyễn Xuân Lam, BS.CK2 Lê Đình Quang.
Phát biểu trong Đại hội, BS.CK2 Trần Kiều Miên thay mặt cho Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 bày tỏ, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp bác sĩ và nhân viên y tế quan tâm đến nhóm bệnh tiêu hóa trên địa bàn thành phố và là thành viên của Hội Y học TPHCM. Mục đích là tạo dựng một môi trường năng động, tin cậy để hội viên tham gia các hoạt động khoa học của hội. Đây cũng là nơi để trau dồi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức cùng nhau.
Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới, BS.CK2 Trần Kiều Miên nhấn mạnh “Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh, kiện toàn các phong trào để hoàn thiện hơn, bổ sung tăng cường về mặt thông tin, truyên truyền, báo chí, khoa học kỹ thuật cho các bác sĩ”.
Để làm được điều này, BS Miên cho rằng không chỉ nỗ lực của ban chấp hành mà còn có sự ủng hộ, góp sức của mỗi hội viên, như vậy mới đem lại những thành công tốt nhất trong tương lai.
Phương Nguyên – Ảnh: Lê Bình