Bệnh lý tiêu hóa từ góc nhìn đa chuyên khoa
Ngày 14/4, Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM (AGH), với sự hỗ trợ của hãng dược phẩm AstraZeneca, đã tổ chức hội nghị khoa học “Phòng ngừa và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa trên từ góc nhìn đa chuyên khoa”.
Hội nghị thuộc chương trình đào tạo y khoa liên tục của AGH. Hơn 400 bác sĩ đang hành nghề tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã tới TP.HCM tham dự hội nghị. Báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành về cơ xương khớp, hô hấp và tiêu hóa.
Phát biểu khai mạc hội nghị, BS-CKII. Trần Kiều Miên- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch AGH, khẳng định rằng đa chuyên khoa hóa góc nhìn bệnh lý tiêu hóa là chiến lược mới của AGH. Theo BS. Kiều Miên, từng cơ quan trong cơ thể người đều có mối liên hệ, tác động qua lại. Vì vậy, không thể tách rời bệnh lý tiêu hóa trong tiếp cận, đánh giá, phòng ngừa và điều trị.
“Theo chiến lược mới này, AGH đã tổ chức hội nghị khoa học trước đó với góc nhìn của các chuyên gia tim mạch trong phòng ngừa và điều trị bệnh lý tiêu hóa. Hôm nay, AGH tiếp tục tiếp tục góc nhìn đa chuyên khoa về bệnh lý tiêu hóa, cụ thể là bệnh lý đường tiêu hóa trên, với các chuyên gia cơ xương khớp và hô hấp. Rất mong các bác sĩ dự hội nghị cập nhật kiến thức và kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả vào thực tế lâm sàng…”- BS. Kiều Miên phát biểu.
TS-BS. Tăng Hà Nam Anh- Chủ tịch Hội Nội soi khớp và thay khớp Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về cơ xương khớp ở phía Nam, đã mở đầu chương trình báo cáo khoa học với chủ đề “Quản lý tối ưu tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do NSAID”. Được biết, NSAID là nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid, thường được dùng trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp.
Theo chuyên gia, nhóm thuốc NSAID được sử dụng rộng rãi để kiểm soát đau và viêm, với khoảng 30 triệu dân toàn thế giới bớt đau đớn mỗi ngày, với 700 triệu toa thuốc được kê mỗi năm. Ở nhiều quốc gia, NSAID thậm chí được mua mà không cần toa. Song, nhóm thuốc NSAID có không ít tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa.
Chuyên gia cũng dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, ước tính từ 15% đến 40% bệnh nhân dùng NSAID gặp phải các triệu chứng ở đường tiêu hóa trên. Phần lớn bệnh nhân bị tổn thương dạ dày sai liều NSAID đầu tiên, còn 10% tới 25% bệnh nhân dùng NSAID kéo dài phát triển thành loét. 80% số ca tử vong liên quan đến loét dạ dày, tá tràng xảy ra ở người sử dụng NSAID…
Đi sâu vào vấn đề tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do NSAID, chuyên gia khẳng định acid dịch vị đóng vai trò trung tâm, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào độ kềm trong dịch vị. Để điều trị và dự phòng loét niêm mạc đường tiêu hóa, chuyên gia đề xuất dùng Esomeprazole 20mg (một loại thuốc ức chế bơm proton-PPI), hoặc thuốc PPI khác (với liều tương đương)…
Trong đề tài “Nhận diện và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trên người bệnh hô hấp”, TS-BS. Lê Khắc Bảo- Phó Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Phó Trưởng khoa Hô hấp BV Nhân dân Gia Định, đã bàn luận về tính phổ biến của GERD trên người bệnh hô hấp. Theo chuyên gia, đối với người bệnh đến khám hô hấp vì ho kéo dài, kể cả người biết và không biết bệnh nền, thì phải đặt ra câu hỏi lâm sàng: Liệu GERD có phải là nguyên nhân.
Chuyên gia đã chỉ ra tần suất GERD biểu hiện qua triệu chứng hô hấp, với 13% ho mạn, 10% trào ngược họng thanh quản, 5% hen. Đáng chú ý, với người mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn trong lúc ngủ, các nghiên cứu cho thấy tăng tuyến acid dẫn tới GERD. Mối liên hệ giữa 2 bệnh lý này là càng tắc nghẽn thở trong lúc ngủ thì càng gồng, càng ráng thở, mà càng cố thì càng đưa acid lên cao (GERD nặng hơn). Khi GERD nặng hơn thì tần suất tắc nghẽn thở trong lúc ngủ càng nhiều hơn… Các mối liên hệ giữa người mắc các bệnh lý hô hấp khác như bệnh phổi mô kẻ, tắc nghẹn phổi mạn tính… với GERD cũng được chuyên gia đề cập.
Vấn đề chẩn đoán và điều trị GERD đối với bệnh nhân hô hấp, theo chuyên gia, dùng nhóm thuốc PPI điều trị thử trong khoảng 1 tới 2 tuần để khẳng định GERD là cách thực tế các bác sĩ hô hấp thường dùng. Sau khi xác định rõ ho kéo dài do GERD, ngoài biện pháp dùng thuốc, cũng với nhóm PPI, các bác sĩ hô hấp còn tăng cường hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống để không dùng thuốc.
Các khuyến cáo bao gồm: Tránh ăn uống 3 giờ trước khi ngủ; tránh nằm nghiêng bên phải với gối chống nghiêng; tránh uống rượu, cà phê, nước uống có ga, hút thuốc lá; giảm cân nặng; nâng cao đầu giường hoặc dùng gối tránh trào ngược; ăn mỗi bữa ít với 4, 5 bữa nhỏ thay vì chỉ 3 bữa lớn; tránh thức ăn nhiều gia vị, nhiều mỡ, tránh nằm ngay sau ăn; tránh mặc quần áo quá chật; nhai kẹo cao su để tăng tiết nước bọt trung hòa acid…
Sau góc nhìn đa chuyên khoa, PGS-BS. Quách Trọng Đức- Phó Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, đã đưa hội nghị trở lại chuyên môn sâu về tiêu hóa với đề tài “Xử trí GERD và phòng ngừa biến chứng NSAID: Góc nhìn tiêu hóa”. Chuyên gia đã cập nhật quan điểm mới nhất 2024 về với các Đồng thuận liên quan. Đây được xem là các hướng dẫn khoa học giúp bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa nhận diện và điều trị GERD.
Trong nội dung phòng ngừa biến chứng tiêu hóa do NSAID (nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid), chuyên gia đã làm rõ hơn cơ chế tổn thương niêm mạc tiêu hóa do NSAID. Đồng thời chỉ ra nguy cơ loét dạ dày, tá tráng do NSAID với từng loại cụ thể. Đặc biệt, chuyên gia còn cảnh báo tình trạng tổn thương đường tiêu hóa dưới do NSAID đang ngày càng nhiều hơn, trở thành thách thức lớn với các bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa…
Chuyên gia kết luận rằng, trong xử trí GERD, tiêu chuẩn vàng chẩn đoán đã có nhưng khó áp dụng trong tiếp cận ban đầu. Thực tế lâm sàng dựa trên triệu chứng và điều trị thử ban đầu. Trong xử trí GERD cần phối hợp thay đổi lối sống và dùng thuốc, với thuốc nền tảng tới thời điểm này là PPI.
Đối với phòng ngừa biến chứng do NSAID, chuyên gia khuyến cáo nên kiểm tra, diệt trừ H. pylory nếu dự kiến điều trị lâu dài; PPI giúp phòng ngừa biến chứng đường tiêu hóa trên nhưng không ngừa được tổn thương đường tiêu hóa dưới…
Thanh Giang