AGH

Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Lời mở đầu
    • Ban chấp hành
    • Ban thư ký
    • Sơ đồ tổ chức
  • Thông báo – Sự kiện
    • Tin tức – Thông báo
    • Hoạt đông hội
    • Tin nội bộ
  • Chuyên đề
    • Tổng quan
    • Nghiên cứu lâm sàng
    • Trường hợp lâm sàng
    • Thông tin khoa học
    • Y học thực chứng
  • Hội nghị
    • Hội nghị – Hội thảo
    • Đào tạo liên tục (CME)
  • Thư viện
    • CME thử nghiệm
    • Thư viện Videos
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Hội viên
  • Tài khoản

Tiếp cận mới trong xử trí lâm sàng bệnh lý đường tiêu hóa

14/07/2023 by admin

Ngày 09/07/2023 tại Thành phố Cần Thơ, Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học Probiotics & Postbiotics-Tiếp cận mới trong xử trí lâm sàng bệnh lý đường tiêu hóa. Những chuyên gia đầu ngành đã báo cáo nhiều kiến thức mới, cập nhật kết quả nghiên cứu lâm sàng trong điều trị bệnh lý đường tiêu hóa.

Hội thảo thu hút hơn 200 bác sĩ đang hành nghề về lĩnh vực tiêu hóa thuộc mạng lưới y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 1/10 trong số đó là các bác sĩ đến từ TP. HCM. Tại hội thảo, 3 báo cáo viên là một trong những chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa, vi sinh lâm sàng, nghiên cứu miễn dịch đã cập nhật nhiều kiến thức, cách tiếp cận mới trong điều trị bệnh lý đường tiêu hóa.

Quang cảnh Hội thảo

Khởi đầu hội thảo khoa học, TS. BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch Liên Chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM, đã vào đề với bài báo cáo:

“Prebiotics, Probiotics, Postbiotics- Tổng quan về phân loại và cơ chế tác động”.

Theo TS. BS Phạm Hùng Vân, đường ruột mỗi người trưởng thành (dài 8-12m) đều có hệ vi khuẩn chí đường ruột. Ở mỗi mm ruột non có từ 104 đến 105 tương đương 100.000 vi khuẩn/1mm, mỗi 1gr phân ở ruột già có đến 1011 tương đương trên 11 tỷ Microbiome ruột gấp 150 lần human genome vi khuẩn/1gr. Hệ vi khuẩn chí đường ruột có 4 vai trò chính yếu (hàng rào, bảo vệ, biến dưỡng và miễn dịch).

TS.BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch Liên Chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM

Theo chuyên gia, hệ vi khuẩn chí đường ruột tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, loạn khuẩn đường ruột gây nhiều bệnh lý đường tiêu hóa. “Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng giảm hệ vi sinh có lợi (hoặc hệ vi trùng có lợi) khuẩn, tăng vi khuẩn có hại trong hệ vi khuẩn chí, hoặc là giảm toàn bộ số lượng của hệ vi khuẩn” – TS.BS Phạm Hùng Vân chiết giải thêm. Loạn khuẩn đường ruột gây nhiều hậu quả, không chỉ các bệnh lý đường tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh thông qua trục não-ruột và hệ miễn dịch trong cơ thể.

Chủ tịch Liên Chi hội Vi sinh lâm sàng TP. HCM nói rằng, Prebiotics, Probiotics, Postbiotics là “trợ thủ đắc lực” trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Prebiotics là thành phần thực phẩm chứa polysaccharide không phải tinh bột và oligosaccaharide. Prebiotics sẽ kích hoạt tăng sinh hệ vi khuẩn có lợi và ức chế vi khuẩn có hại trong hệ vi khuẩn chí đường ruột…

Còn Probiotics chính là những vi sinh vật sống có lợi cho đường tiêu hóa (khi dùng qua đường uống với đủ số lượng và đúng chủng loại đã nghiên cứu). Theo TS – BS. Phạm Hùng Vân, vi khuẩn và cả nấm qua nghiên cứu đánh giá là Probiotics gồm nhiều chi, mỗi chi có nhiều loài như: Lactobacillus, Bifidobacterium, Streptococcus, Bacillus, Enterobacter, Saccharomyces… Chế phẩm mà nhiều người bị rối loạn tiêu hóa hay dùng dưới tên gọi “men tiêu hóa”, “men vi sinh” chính là Probiotics.

TS.BS Phạm Hùng Vân cũng giới thiệu tại hội thảo về Psychobiotics, cũng là vi khuẩn sống và có khả năng sản sinh các chất có lợi cho thần kinh. Do đó, khi được uống vào với một lượng đủ thì sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần, khi Psychobiotics tác động lên trục não-ruột. Còn Postbiotics thì được điều chế công phu hơn khi giết chết 100% các Probiotics bằng nhiệt, nhưng đảm bảo giữ lại đầy đủ các thành phần như chất chuyển hóa, protein chức năng, thành phần tế bào… Postbiotics có tác dụng tương tự Probiotics, song an toàn hơn vì chỉ là xác vi khuẩn. Postbiotics đặc biệt có lợi cho bệnh nhân nặng hoặc đang mắc các bệnh suy giảm miễn dịch. Với những bệnh nhân này, nếu dùng Probiotics đôi khi lại tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.

Trầm cảm, lo âu và vai trò của Probiotics ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng

Nội dung báo cáo tiếp theo tại hội thảo khoa học của PGS.TS.BS Quách Trọng Đức (ĐH Y dược TP.HCM), Phó Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó chủ tịch hội khoa học tiêu hóa TP Hồ Chí Minh, một trong những chuyên gia về Nội khoa và tiêu hóa. Trong phần trình bày của mình, PGS. TS. BS Quách Trọng Đức đã cập nhật các kết quả nghiên cứu lâm sàng gần đây nhất, trên thế giới lẫn trong nước, về tần suất và mức độ nặng của trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức- chuyên gia đầu ngành về nội khoa và tiêu hóa chia sẻ tại Hội thảo

Chuyên gia cũng đề cập sâu đến trục não-ruột và vai trò của vi khuẩn chí đường ruột. Trục não-ruột là thuật ngữ mô tả mối liên kết không thể tách rời và tác động qua lại giữa não và ruột. Theo PGS.TS.BS Quách Trọng Đức, trục não-ruột thực sự phức tạp đối với hoạt động nghiên cứu, nhưng rất vi diệu đối sự sống con người. Não và ruột liên tục “đối thoại” với nhau thông qua những cơ chế phức tạp và tinh vi. Vì vậy, người trầm cảm, lo âu thường bị mắc hoặc tăng nặng về các bệnh lý đường tiêu hóa. Ngược lại, người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa cũng thường gặp vấn đề với trầm cảm, lo âu.

Chuyên gia cũng đề cập trong nội dung báo cáo của mình về ứng dụng Probiotics trong điều trị trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng, với các chứng cứ mới nhất tính đến năm 2022. Theo chuyên gia, rối loạn tiêu hóa chức năng là thuật ngữ khá mới, mà trước đây thường được mô tả là “viêm dạ dày” hội chứng đại tràng kích thích (IBS). Probiotics sẽ giúp cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột và trực tiếp hóa giải vấn đề rối loạn tiêu hóa chức năng. Thông qua cơ chế “đối thoại” của trục não-ruột, theo cách dễ hình dung nhất, phía não sẽ được phía ruột an ủi, vỗ về, thông báo rằng ruột đã ổn, não cứ yên tâm. Quả nhiên, người xưa nói sống vui là sống khỏe hoàn toàn hữu lý.

Postbiotics từ probiotics Lactobacilli và tac dụng tích cực của chúng đối với sức khỏe con người

Báo cáo viên thứ 3 là nhân vật khá đặc biệt, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa, chuyên gia đến từ Nhật Bản. Năm 2000, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Miễn dịch-Vi khuẩn học phân tử của đại học Gifu (Nhật Bản) sau 4 năm học tại đây. Từ đó, ông trở thành chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu (IRIG). Từ năm 2004, ông đảm nhiệm vai trò giám đốc bộ phận nghiên cứu và sản xuất kháng thể GEN Japan. Từ năm 2009 tới nay, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa là giám đốc IRIG tại Nhật Bản, với lĩnh vực nghiên cứu chính là Miễn dịch-Vi khuẩn học phân tử và kháng thể IgY.

TSKH Nguyễn Văn Sa – Giám đốc Viện Nghiên cứu miễn dịch Gifu (Nhật Bản)

Tại hội thảo khoa học, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa chọn nội dung “Probiotics/Postbiotics trong điều trị bệnh do Helicobacter pylori (HP)” để cập nhật đến các bác sĩ tiêu hóa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Mở đầu, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa đề cập đến 3 thách thức trong điều trị bệnh do khuẩn HP. Theo đó, khi điều trị tiệt trừ HP, người bệnh thường bị triệu chứng dai dẵng sau đó do tăng tiết a xít hồi ứng vì ngưng PPI (thuốc ức chế bơm proton); lại bị thêm loạn khuẩn đường ruột do tác động của thuốc kháng sinh và PPI; sau nữa là tình trạng vi khuẩn HP đề kháng kháng sinh (vấn đề nhiều nước châu Á gặp phải, trong đó có Việt Nam).

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa đã giới thiệu về Lactobacillus johnsonii 1088, một Probiotics được phân lập từ dạ dày người Nhật khỏe mạnh. Probiotics này có khả năng ức chế tiết a xít thông qua trung gian gastrin (một loại hooc-mon); ức chế hoạt động của vi khuẩn HP và cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột.

BSCK2. Trần Kiều Miên – Chủ tịch Liên Chi hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM chủ trì Hội thảo

Từ Probiotics Lactobacillus johnsonii 1088, các nhà khoa học của IRIG, trong đó có Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Sa, đã tạo ra Postbiotics LJ1088. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, Postbiotics LJ1088 cùng với kháng thể IgY và kháng sinh đã hiệp sức diệt gọn vi khuẩn HP. Các thử nghiệm lâm sàng tại các nước, trong đó có Việt Nam, cho thấy ngoài tiệt trừ vi khuẩn HP, sự phối hợp giữa Postbiotics LJ1088 cùng với kháng thể IgY và kháng sinh còn hóa giải trọn vẹn 3 thách thức trong điều trị HP như trên đã nêu. Được biết, những năm qua, phía Nhật Bản đã thương mại hóa kết quả nghiên cứu này và thành phẩm cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo khoa học cũng dành nhiều thời gian để thảo luận chuyên môn với 3 báo cáo viên và chủ trì hội thảo, BS. CK2 Trần Kiều Miên – Phó Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội khoa học Tiêu hóa TP.HCM. Theo BS.CK2 Trần Kiều Miên, hội thảo khoa học lần này là cơ hội để các bác sĩ lĩnh vực tiêu hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như TP.HCM, tiếp cận kiến thức mới, cập nhật các kết quả nghiên cứu lâm sàng liên quan… Điều này hết sức cần thiết và hữu ích với các bác sĩ trong điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Dịp này, BS.CK2 Trần Kiều Miên cũng ngỏ lời cảm ơn Công ty dược phẩm Đông Đô Pharma đã đồng hành tổ chức hội thảo khoa học. Ngay sau hội thảo, các bác sĩ tham dự sẽ được cấp chứng chỉ CME theo quy định.

Thanh Giang

Nguồn: https://alobacsi.suckhoecongdongonline.vn/

Filed Under: Hoạt đông hội, Hội nghị - Hội thảo, Thông báo - Sự kiện, Thông tin khoa học, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

Bệnh lý đường tiêu hóa trên với góc nhìn đa chuyên khoa

09/04/2023 by admin

Bệnh lý đường tiêu hóa có liên quan đến nhiều bệnh lý khác như bệnh mạch vành, hô hấp. Trong đó, xuất huyết tiêu hóa là nguyên nhân gây biến chứng xuất huyết thường gặp ở bệnh nhân mạch vành cấp và làm tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ mắc hen lên 2,26 lần và sẽ làm cơn hen xuất hiện dày đặc hơn.

Đây là những thông tin đáng chú ý được chia sẻ trong chương trình đào tạo y khoa liên tục do Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM tổ chức vào ngày 2/4 vừa qua.

BS.CK2 Trần Kiều Miên – Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cho biết, chương trình lần này với chủ đề “Bệnh lý đường tiêu hóa trên với góc nhìn đa chuyên khoa” mang lại rất nhiều thông tin bổ ích từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm qua 3 bài báo cáo khai thác ở khía cạnh: Cân bằng nguy cơ thuyên tắc và xuất huyết trên bệnh nhân bệnh mạch vành; Bệnh lý hô hấp và rối loạn tiết axit; Đồng thuận VNAGE 2022 về xử lý nhiễm H.pylori: các vấn đề tái nhiễm, tái phát và theo dõi sau tiệt trừ H.pylori.

Nhờ những chủ đề thiết thực, chương trình được hội viên đánh giá là hấp dẫn, thu hút người tham dự đón xem đến cuối cùng với các thảo luận sôi nổi, cần thiết cho thực hành lâm sàng.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM cũng nhìn nhận: “Đây là chương trình hội thảo tiêu hóa đầu tiên của Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM trong năm 2023, với quy mô hơn 500 y bác sĩ khu vực phía Nam như bác sĩ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và các bác sĩ Đồng bằng sông Cửu Long, bác sĩ miền đông (Đồng Nai, Bình Dương,…) tham dự. Thông qua hội thảo đã cung cấp, cập nhật kiến thức để áp dụng trên lâm sàng, tại địa phương”.

Chủ tọa BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM

Chương trình có sự tham dự của hơn 500 y bác sĩ khu vực phía Nam

Chương trình có sự tham dự của hơn 500 y bác sĩ khu vực phía Nam

Theo thống kê, 6 bệnh nhân điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép sẽ có 1 bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa

Buổi hội thảo bắt đầu với bài báo cáo “Cân bằng nguy cơ thuyên tắc và xuất huyết trên bệnh nhân bệnh mạch vành” của GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM.

Ông cho biết “Trên thực tế, bệnh lý về tim mạch cũng như tiêu hóa là bệnh lý khó tránh khỏi ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân càng lớn tuổi càng có nhiều bệnh lý và đặc điểm của bệnh nhân lão khoa là sử dụng rất nhiều thuốc. Trong số các thuốc điều trị lão khoa có một số thuốc tác động không tốt đến hệ tiêu hóa”.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM

GS.TS.BS Võ Thành Nhân – Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TPHCM

GS.TS.BS Võ Thành Nhân dẫn chứng số liệu của Tổ chức Y tế thế giới – WHO năm 2017, bệnh tim mạch (chủ yếu bệnh mạch vành) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 1/3 số ca tử vong. Tại Việt Nam, năm 2017 theo số liệu của Bộ Y tế có khoảng 2 triệu toa thuốc điều trị cho bệnh nhân mạch vành.

Năm 2019 theo khuyến cáo Hội Tim mạch châu Âu, bệnh mạch vành được chia thành 2 thể lâm sàng chính là hội chứng mạch vành mãn và hội chứng mạch vành cấp. Trong đó, định nghĩa hội chứng mạch vành cấp không thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, định nghĩa hội chứng mạch vành mãn đã thay đổi và hiện nay được chia thành 6 thể:

– Bệnh nhân nghi có bệnh mạch vành dựa trên triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở.

– Bệnh nhân mới khởi phát triệu chứng suy tim.

– Bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp dưới 1 năm.

– Bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp trên 1 năm.

– Đau thắt ngực do bệnh lý khác như bệnh lý vi mạch hoặc co thắt động mạch vành.

– Những trường hợp không triệu chứng.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân cũng nhấn mạnh, xuất huyết tiêu hóa là nguyên nhân gây biến chứng xuất huyết đáng kể thường gặp ở bệnh nhân mạch vành cấp. Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa liên quan đến Aspirin kết hợp với Clopidogrel gấp 4 lần so với chỉ dùng Aspirin.

“Đa số các tỷ lệ xuất huyết tiêu hóa, xảy ra ở bệnh nhân trong 3 tháng đầu điều trị, tương đương cứ 6 bệnh nhân điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép sẽ có 1 bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Đối với bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp sẽ tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, hội chứng mạch vành cấp kèm biến chứng xuất huyết tiêu hóa càng làm tăng nguy cơ này” – GS.TS.BS Võ Thành Nhân cho biết.

Vì vậy, chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cũng như mức độ nặng của xuất huyết tiêu hóa khi đã xảy ra, cần kéo pH > 6 càng nhanh càng tốt để giảm khả năng ly giải cục máu đông và trợ giúp đông máu. Tuy nhiên quá trình này cần qua giai đoạn chuyển tiếp.

GS.TS.BS Võ Thành Nhân cho biết thêm, khi sử dụng thuốc kháng kết tập tiêu cầu kép đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về dạ dày nên kết hợp với thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Hệ quả của việc sử dụng PPI sẽ cung cấp sự ức chế axit hiệu quả và bền vững, đồng thời tan nhanh độ pH trong dạ dày; thúc đẩy hiệu quả quá trình kết tập tiểu cầu và hình thành cục máu đông, tránh làm tan sớm cục máu đông, giúp cầm máu và ngăn ngừa chảy máu, hỗ trợ điều khiển loét dạ dày tá tràng.

Ý kiến của hội nghị DDW trong lựa chọn PPI để điều trị tim mạch là không nên sử dụng nhóm Omeprazole vì chuyển hóa qua CYP2C19 cao. Nên lựa chọn PPI chuyển hóa kéo dài và ít tác động lên CYP2C19 như nhóm Esomeprazol > 12 giờ.

Hơn 50% bệnh nhân khám vì khàn tiếng có trào ngược họng thanh quản – LPR

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Bệnh lý hô hấp và rối loạn tiết axit” của PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Liên chi Hội Hô hấp TPHCM.

Chuyên gia dẫn chứng, theo một nghiên cứu năm 2022, cứ 10 người Mỹ sẽ có 4 người mắc triệu chứng trào ngược. Ở khảo sát Laryngopharyngeal reflux – LPR (trào ngược họng thanh quản), cứ 10 bệnh nhân tai mũi họng sẽ có 1 trường hợp liên quan đến trào ngược (tương đương 10%). Ngoài ra, hơn 50% bệnh nhân khám vì khàn tiếng có trào ngược họng thanh quản. Triệu chứng này rất phổ biến và nhìn chung bệnh lý hô hấp có liên quan đến trào ngược.

PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Theo ACCP 2006, tiêu chuẩn gợi ý ho kéo dài do trào ngược dạ dày thực quản gồm ho mạn kéo dài trên 8 tuần; không bị kích ứng với tác nhân nào trong môi trường hay khói thuốc; không sử dụng ức chế men chuyển; X-quang ngực thẳng bình thường (ngoại trừ dải xơ ít); loại trừ hen và ho hô hấp trên.

Ngoài ra, theo báo cáo của PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ, dấu hiệu gợi ý hen liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản gồm có yếu tố về tiền sử (hen khởi phát ở người lớn; các triệu chứng hen như ho, khó thở, khò khè liên quan đến đợt trào ngược hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc hít khi có triệu chứng trào ngược; hen xảy ra về đêm khi nằm; hen xuất hiện sau bữa ăn no hoặc khi tập thể thao; bệnh nhân điều trị hen kém hiệu quả) và những người có bệnh sử với triệu chứng của trào ngược, ho và khàn tiếng hoặc triệu chứng của trào ngược và hen xuất hiện cùng lúc.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ mắc hen lên 2,26 lần. Đồng thời, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản càng thường xuyên sẽ làm cơn hen xuất hiện dày đặc hơn.

Những kiến thức cập nhật hữu ích khiến người tham dự lắng nghe chăm chú

“Trào ngược họng thanh quản – LPR gồm các triệu chứng thường gặp là khàn tiếng, đằng hắng nhiều, ho kéo dài, cảm giác vướng họng và một số triệu chứng khác như nuốt vướng, đau rát họng, khó phát âm. Các triệu chứng này thường không có ợ nóng và ít biểu hiện bất thường qua nội soi. Tuy nhiên có thể để lại một số biến chứng như sẹo thanh quản và hầu họng, tăng nguy cơ ung thư, mắc bệnh phổi gồm hen, khí phế thủng, viêm phế quản” – chia sẻ của PGS.TS.BS Lê Thượng Vũ.

Năm 2020, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất thế giới

Tiếp nối chương trình là bài báo cáo “Đồng thuận VNAGE 2022 về xử lý nhiễm H.pylori: các vấn đề tái nhiễm, tái phát và theo dõi sau tiệt trừ H.pylori” của PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam.

Ông chia sẻ “H.pylori là vi khuẩn gây bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, đặc biệt là giữa các thành viên trong gia đình, thông qua đường miệng sang miệng, từ phân sang miệng và các thiết bị y tế nhiễm khuẩn”.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức nhấn mạnh, khi điều trị tiệt trừ và vi khuẩn tái xuất hiện (Recurrence) sẽ gồm 2 nhóm tái nhiễm và tái phát. Tái nhiễm (Reinfection) là nhiễm chủng H.pylori khác với chủng ban đầu tiệt trừ và tái phát (Recrudescence) là sự xuất hiện trở lại của chủng H.pylori ban đầu sau khi bị ức chế tạm thời bởi phát đồ diệt trừ.

Trước đây, với 226 bệnh nhân loét dạ dày tá tràng được điều trị H.pylori, theo dõi trung bình 1 năm sau điều trị, tỷ lệ tái xuất hiện H.pylori sau thời gian trung bình 11 tháng là 23,5% (tái phát: 58,8% và tái nhiêm: 41,2%). Hiện nay, với 52 bệnh nhân sau diệt trừ thành công H.pylori (H.pylori âm tính sau điều trị), theo dõi từ 6 – 31 tháng, tỷ lệ tái xuất hiện H.pylori sau 31 tháng là 38,5% (tái phát: 27,8% và tái nhiêm: 72,2%). Vì vậy cần giáo dục nâng cao ý thức người dân về nguồn lây và đường lây truyền H.pylori, từ đó giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

“Các yếu tố nguy cơ liên quan nhiễm vi khuẩn H.pylori ở trẻ em đa phần do thói quen mớm thức ăn ở châu Phi và một số nước châu Á. Bên cạnh đó, ở khu vực đông dân cư và sử dụng nguồn nước giếng sinh hoạt sẽ làm tăng nguy hơn cao hơn. Đối với người lớn, đường lây truyền không liên quan đến môi trường sống đông đúc, tuy nhiên sẽ liên quan đến nghề nghiệp như những nghề tiếp xúc với đất, nhân viên các cơ sở chăm sóc người tàn tật có tần suất nhiễm H.pylori cao hơn cộng đồng và việc ăn chung chén, đũa, muỗng,… sẽ làm lây lan nhanh hơn.

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, người làm nội trợ có nguy cơ gấp 2 lần người làm công chức; người đánh răng không thường xuyên sẽ có nguy cơ cao gấp 40 lần so với người có thói quen đánh răng trên 1 lần/ngày; người ăn chay trường nguy cơ sẽ thấp hơn rất nhiều so với người không ăn chay và những người có người nhà mắc dạ dày tá tràng sẽ có nguy cơ cao gấp 3,5 lần. Bên cạnh đó, theo biểu đồ trên thế giới năm 2020, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất thế giới” – PGS.TS.BS Quách Trọng Đức chia sẻ.

Hiện tại, không có khuyến cáo xét nghiệm và điều trị cho toàn bộ người trong gia đình có người thân trực hệ nhiễm H.pylori (trừ trường hợp ung thư dạ dày). Đối với các trường hợp cần chẩn đoán nhiễm H.pylori bằng các xét nghiệm xâm lấn (dựa trên nội soi tiêu hóa trên) nên kết hợp đánh giá các tổn thương tiền ung thư dạ dày (bao gồm sự hiện diện, mức độ nặng và mức độ lan rộng của tổn thương).

Các trường hợp có teo niêm mạc hoặc dị sản ruột ở dạ dày mức độ nặng hoặc lan rộng (ở cả thân vị và hang vị) hoặc dị sản ruột típ không hoàn toàn cần được theo dõi định kỳ bằng nội soi ngay cả khi đã diệt trừ H.pylori thành công. Các trường trường hợp có loạn sản ở dạ dày khi sinh thiết ngẫu nhiên cần được đánh giá lại bằng phương tiện nội soi có chế độ hình ảnh tăng cường để xác lập chiến lược theo dõi và điều trị thích hợp. Thời gian theo dõi cho những đối tượng nguy cơ cao từ 1 – 3 năm tùy vào mức độ tổn thương và tiền căn gia đình: mỗi 2 năm giúp tăng phát hiện ung thư giai đoạn sớm, mỗi 3 năm giúp cải thiện tỷ lệ tử vong – PGS.TS.BS Quách Trọng Đức khuyến cáo.

Sau khi kết thúc phần trình bày của chủ tọa và 3 báo cáo viên, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi từ các y bác sĩ gửi đến ngay tại hội trường.

Trong chương trình, BS.CK2 Trần Kiều Miên – Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cũng giới thiệu về kế hoạch tổ chức hội thảo, CME sắp tới của LCH. Gần nhất là ngày 9/7/2023, LCH sẽ tổ chức chương trình đào tạo y khoa liên tục cấp CME tại Đồng bằng sông Cửu Long dành cho các y bác sĩ tại khu vực này.

 

Filed Under: Chuyên đề, Thông tin khoa học

Mẫu đăng ký hội viên

02/03/2023 by admin

Anh/chị vui lòng đăng ký hội viên theo mẫu sau:

Mau dang ky hoi vien 2023

Sau khi đăng ký Anh/chị vui lòng gửi về mail: khoahoctieuhoa@gmail.com

Filed Under: Ban thư ký, Hoạt đông hội

Thông báo V/v: Tổ chức hội thảo chuyên đề Tiêu hóa

27/02/2023 by admin

Kính gửi Quý Thầy Cô và Quý đồng nghiệp

Nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn, cập nhật và trao đổi kinh nghiệm thực hành trong lĩnh vực điều trị bệnh lý đường tiêu hóa trên, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM sẽ tổ chức chương trình đào tạo y khoa liên tục chuyên đề:

“BỆNH LÝ ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN VỚI GÓC NHÌN ĐA CHUYÊN KHOA”

Thời gian: (Hội sẽ gởi thư mời qua email cho Hội Viên)

Địa điểm: (Hội sẽ gởi thư mời qua email cho Hội Viên)

Thành phần Báo cáo viên:

+ GS.TS.BS. Võ Thành Nhân
+ GS.TS.BS. Lê Thượng Vũ
+ GS.TS.BS. Quách Trọng Đức

Rất mong sự tham gia của Quý Thầy Cô và Quý đồng nghiệp.

Trân trọng kính chào.

Filed Under: Hoạt đông hội

Thông báo V/v đăng ký tham gia Hội thi sáng tạo lần thứ 27

07/11/2022 by admin

Hội thi sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần thứ 27 do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố là cơ quan phụ trách, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, Thành Đoàn Thành phố và các Sở, Ngành của Thành phố phát động nhằm hưởng ứng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam

Thời gian đăng ký tham gia hội thi: từ nay đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 .
Địa điểm đăng ký trực tiếp tại:
Ø Ban Khoa học Công nghệ và Tư vấn, phản biện – Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, số 224 Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 – Điện thoại: (028) 39325305

Thể lệ cuộc thi: xem tại đây

Đăng ký tham gia: tại đây

Filed Under: Hoạt đông hội, Thông báo - Sự kiện, Tin nội bộ

KHẢO SÁT Ý KIẾN VỀ ĐIỀU TRỊ DIỆT TRỪ H. PYLORI

08/10/2022 by admin

Quý đồng nghiệp thân mến!

Tình trạng đề kháng kháng sinh gia tăng không ngừng là một thách thức lớn đối việc điều trị diệt trừ H. pylori. Nhiều Hướng dẫn và Đồng thuận gần đây đã đưa ra các khuyến cáo cập nhật về phác đồ điều trị. Tuy nhiên, việc chọn lựa phác đồ điều trị trong thực tế lâm sàng của quý Đồng nghiệp vẫn chưa được biết rõ. Chúng tôi rất mong Quý đồng nghiệp có thể dành khoảng 5 – 8 phút để tham gia và hoàn thành khảo sát ở vùng Đông Nam Á theo đường link dưới đây.

https://www.surveymonkey.com/r/XXP793C

Trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến của Quý đồng nghiệp!
BCH LC Hội Khoa Học Tiêu Hóa TP HCM.

Filed Under: Tin tức - Thông báo

NNSTL Tronlongvoiynghiep YTB

26/09/2022 by admin

Filed Under: Thư viện Videos

Bổ sung postbiotics cho đường ruột – triển vọng mới giúp bệnh nhân trầm cảm và điều trị Hp mau khỏi

21/09/2022 by admin

Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn chí đường ruột đóng vai trò quan trọng trong “đối thoại” não – ruột qua các đường thần kinh, miễn dịch và chuyển hóa. Sử dụng probiotics để điều trị các rối loạn tâm thần kinh và tiêu hóa là một hướng can thiệp điều trị mới nhiều triển vọng.

Sáng 18/9, gần 500 bác sĩ ở TPHCM và miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã tham dự hội thảo khoa học “Probiotics – Postbiotics: Tiếp cận mới trong xử trí lâm sàng bệnh lý đường tiêu hóa”, do Hội Khoa học Tiêu hóa phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô tổ chức, với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM cho biết: “Hội Khoa học Tiêu hóa đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo nhưng vấn đề vi sinh đường tiêu hóa chưa được đi sâu. Trong các hội nghị tiêu hóa quốc tế vừa qua ở Mỹ và châu Âu đều đề cập đến rối loạn vận động, trầm cảm và những vấn đề COVID-19 để lại.

Như vậy ngoài bệnh lý thực thể đường tiêu hóa mà các bác sĩ vẫn đang thực hành thì còn có vai trò của hệ vi sinh đường tiêu hóa, dọc suốt từ miệng cho tới hậu môn, mỗi một đoạn lại có những vi sinh khác nhau. Vì vậy các BS phải có chiến lược điều trị đúng đắn đối với từng loại rối loạn tiêu hóa”.

BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM

Để làm được điều đó, các bác sĩ cần nắm rõ về phân loại và cơ chế tác dụng của các loại vi khuẩn, xử lý những tổn thương do vi khuẩn trên đường tiêu hóa như thế nào, tiếp cận bệnh nhân có rối loạn tâm lý kèm rối loạn tiêu hóa ra sao… 3 báo cáo viên sẽ lần lượt trình bày những vấn đề này.

TS.BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch hội Vi sinh lâm sàng TPHCM

Ở bài báo cáo đầu tiên, “Prebiotics, probiotics và postbiotics tổng quan về phân loại và cơ chế tác dụng” – TS.BS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch hội Vi sinh lâm sàng TPHCM đưa ra những thông tin tổng quan và chi tiết về: hệ vi khuẩn ruột tác động đến nhiều cơ quan, loạn khuẩn ruột là gì, hậu quả của loạn khuẩn trên ruột, hậu quả của loạn khuẩn ruột trên các cơ quan ngoài ruột và hệ thần kinh, cách thức prebiotics tác động lên trục não – ruột (qua 3 con đường: thần kinh, nội tiết, miễn dịch), psychobiotic khôi phục được tương tác trục não – ruột, tác dụng và vị trí tác động của probiotics, hiệu quả phối hợp toàn diện của probiotics đa chủng, so sánh postbiotics với prebiotics – synbiotic – probiotic – pharmabiotic, cơ chế tác động của dịch nổi…

Khi đề cập đến loạn khuẩn ruột, TS Hùng Vân có giải thích về “rò rỉ ruột” hay “ruột rỉ” (leaky gut), đây là tình trạng mất toàn vẹn của ruột, dẫn đến hiện tượng phóng thích tế bào gây viêm vào máu, ảnh hưởng lên thần kinh. Ông cũng nhấn mạnh: để đánh giá tình trạng loạn khuẩn ruột của bệnh nhân thì cần phân tích toàn bộ hệ vi khuẩn chứ không chỉ cấy phân mà đánh giá được.

TS Hùng Vân kết luận: hệ vi sinh đường ruột là một cơ quan lớn và rất quan trọng trong cơ thể, chi phối hoạt động của nhiều cơ quan khác. Rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến hệ quả cho hoạt động của nhiều cơ quan khác của cơ thể. Prebiotics, probiotics và postbiotics là một giải pháp mà y học có thể tiếp cận để điều trị hay ngăn ngừa rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Các hiểu biết về ý nghĩa cũng như cơ chế của các biotic này là rất cần thiết.

TSKH Nguyễn Văn Sa – Giám đốc Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu Nhật Bản

Tiếp theo, TSKH Nguyễn Văn Sa – Giám đốc Viện nghiên cứu miễn dịch Gifu Nhật Bản trình bày bài báo cáo thứ hai: “Postbiotics trong điều trị bệnh do H.pylori” gồm các nội dung: những thách thức trong điều trị bệnh do H.pylori, các nghiên cứu gần đây về vai trò của probiotics/postbiotics trong điều trị HP, L. johnsonii 1088 – giải pháp giúp vượt qua khó khăn trong điều trị HP.

Định nghĩa theo báo cáo đồng thuận Hiệp hội Khoa học thế giới về probiotics và prebiotics 2019:

Probiotics: vi khuẩn sống mà khi sử dụng ở liều lượng nhất định mang lại lợi ích cho sức khỏe

Postbiotics (các tên gọi khác: paraprobiotics, heat-killed probiotics, non-viable probiotics, tyndallized probiotics, biogenics): chế phẩm từ vi sinh vật đã được làm chết mà mang lại lợi ích cho sức khỏe. Postbiotics có thể chứa hoặc không chứa chất chuyển hóa của probiotics.

Sau khi đưa ra các nghiên cứu, so sánh, đánh giá… về tác dụng của việc bổ sung postbiotics vào liệu trình điều trị HP, TS Sa đưa ra kết luận: postbiotics (vi khuẩn đã được làm chết) có thể đem lại lợi ích tương tự như probiotics. Probiotics/ postbiotics L. johnii 1088 có khả năng làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ của thuốc. L. johnii 1088 làm giảm tiết axit dạ dày và giúp cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. L. johnii 1088 có thể giúp ích giải quyết 3 thách thức trong điều trị HP (triệu chứng dai dẳng sau điều trị, tác dụng phụ do thuốc, HP đề kháng kháng sinh).

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM

“Trầm cảm và lo âu ở bệnh tiêu hóa và vai trò của postbiotics” là bài báo cáo cuối cùng, do PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Phó chủ tịch LCH Khoa học Tiêu hóa TPHCM trình bày, gồm 3 nội dung: 1. Tần suất và mức độ trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng; 2. Trục não ruột và vai trò của vi khuẩn chí đường ruột; 3. Ứng dụng probiotics trong điều trị trầm cảm, lo âu ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa chức năng: y học chứng cứ đến 2022.

Kết thúc bài báo cáo, PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đưa ra các luận điểm: Trầm cảm và lo âu rất thường gặp ở bệnh nhân tiêu hóa. Trục não – ruột đóng vai trò chính yếu giúp giải thích các rối loạn tâm thần kinh và rối loạn tiêu hóa xảy ra trên cùng bệnh nhân. Vi khuẩn chí đường ruột đóng vai trò quan trọng trong “đối thoại” não – ruột qua các đường thần kinh, miễn dịch và chuyển hóa, nhấn mạnh thuật ngữ mới: “trục não – ruột – vi khuẩn chí”. Sử dụng probiotics để điều trị các rối loạn tâm thần kinh và tiêu hóa là một hướng can thiệp điều trị mới nhiều triển vọng.

PGS Đức cho biết thêm: “Trước dịch COVID-19 Hội đã tổ chức một hội thảo tương tự như hôm nay. Nhìn lại những gì chúng ta đã biết trước đây sau 3 năm thì 2 bài báo cáo của thầy Phạm Hùng Vân và TS Nguyễn Văn Sa đã cung cấp rất nhiều thông tin cần cập nhật, kể cả những khái niệm mới như postbiotic, pharmabiotic trước đây chưa nghe nói nhiều, và còn có những thử nghiệm lâm sàng rất quý… đã giúp các bác sĩ hiểu thêm về vi sinh ứng dụng và vi sinh lâm sàng. Thành tựu của nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Sa cũng là niềm tự hào của người Việt khi có những sản phẩm được công bố với quốc tế.

Năm 1982, vi khuẩn H.pylori được tìm ra khi 2 nhà khoa học Robin Warren và Barry Marshall phân lập được chủng vi khuẩn mới từ mẫu sinh thiết dạ dày của một bệnh nhân loét hành tá tràng. 1 năm sau đó, 2 thầy trò đã nuôi cấy thành công chủng vi khuẩn này, công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Lancet nhưng người ta vẫn không tin nổi là có một loại vi khuẩn sống được trong môi trường axit của dạ dày và gây bệnh. Hơn 20 năm sau, mối liên quan giữa vi khuẩn HP với viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày mới được chứng minh và đó thật sự là một cuộc cách mạng, đem đến giải Nobel cho 2 thầy trò.

PGS Quách Trọng Đức nhận định: “Hiện nay chúng ta đang đứng trước ánh bình minh của cuộc cách mạng mới, vẫn còn nhiều thứ cần phải làm. Chúng tôi mong có những kết nối thường xuyên, cập nhật thường xuyên về mặt kiến thức giữa các nhà nghiên cứu vi sinh và các bác sĩ để hiểu rõ hơn về probiotics, postbiotics, từ đó ứng dụng trong lâm sàng để điều trị tốt hơn cho bệnh nhân”.

 

Filed Under: Đào tạo liên tục (CME), Hội nghị, Hội nghị - Hội thảo, Thông tin khoa học

THÔNG BÁO V/v: Hạn nộp Abstract và giải thưởng của Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28

15/09/2022 by admin

Kính chào Quý đồng nghiệp,

Liên chi hội khoa học Tiêu hóa TPHCM xin gửi đến quý đồng nghiệp thông báo về hạn nộp abstract và giải thưởng của Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28 như sau:

– Hạn nộp abstract: 30/09/2022

– Giải thưởng: “Nhà nghiên cứu trẻ 2022” Hiện tại Hội Tiêu hóa Việt Nam vẫn mong muốn nhận thêm các bài báo của quý đồng nghiệp (chủ đề: viêm tụy, ung thư tụy, bệnh ruột non, …)

Liên hệ gửi bài như sau: BS.CKII Lê Đình Quang

– Địa chỉ email gửi bài (khu vực phía nam): dinhquangledr@yahoo.com.

Rất mong Quý đồng nghiệp quan tâm, tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28. Trân trọng kính chào.

Filed Under: Thông báo - Sự kiện, Tin tức - Thông báo

THÔNG BÁO V/v: Đăng ký tên bài báo cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28

16/08/2022 by admin

Kính chào Quý đồng nghiệp, Liên chi hội khoa học Tiêu hóa TPHCM xin gửi đến quý đồng nghiệp thông báo về việc đăng ký tên bài báo trước (phần abstract sẽ gửi sau) để dự kiến khung chương trình cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28. Hạn chót: 16g ngày 20/08/2022 Liên hệ gửi bài như sau: BS.CKII Lê Đình Quang – Địa chỉ email gửi bài (khu vực phía nam): dinhquangledr@yahoo.com. Rất mong Quý đồng nghiệp quan tâm, tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 28. Trân trọng kính chào.

Filed Under: Thông báo - Sự kiện

  • « Previous Page
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • Next Page »

LỊCH TUẦN

HỘI KHOA HỌC TIÊU HÓA TP.HCM

Lầu 9, Số 10 Trương Định, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 028 39336688-186
khoahoctieuhoa@gmail.com

GIỚI THIỆU

  • Giới thiệu
  • Sơ đồ tổ chức
  • Ban chấp hành
  • Ban thư ký

CHUYÊN ĐỀ

  • Tổng quan
  • Nghiên cứu lâm sàng
  • Trường hợp lâm sàng
  • Thông tin khoa học
  • Y học thực chứng

THÔNG BÁO – SỰ KIỆN

  • Tin tức – Thông báo
  • Hoạt đông hội
  • Tin nội bộ
HỘI KHOA HỌC TIÊU HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đang chạy thử nghiệm