AGH

Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Lời mở đầu
    • Ban chấp hành
    • Ban thư ký
    • Sơ đồ tổ chức
  • Thông báo – Sự kiện
    • Tin tức – Thông báo
    • Hoạt đông hội
    • Tin nội bộ
  • Chuyên đề
    • Tổng quan
    • Nghiên cứu lâm sàng
    • Trường hợp lâm sàng
    • Thông tin khoa học
    • Y học thực chứng
  • Hội nghị
    • Hội nghị – Hội thảo
    • Đào tạo liên tục (CME)
  • Thư viện
    • CME thử nghiệm
    • Thư viện Videos
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Hội viên
  • Tài khoản

Thông báo V/v Đăng ký bài báo cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc năm 2024

26/05/2024 by admin

Kính chào Quý đồng nghiệp,

Liên chi hội khoa học Tiêu hóa TPHCM xin gửi đến quý đồng nghiệp thông báo về việc đăng ký bài báo cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 30 (8-9/11/2024) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội

Hạn chót: ngày 30/09/2024

Liên hệ gửi bài như sau: BS.CKII Lê Đình Quang – Địa chỉ email gửi bài (khu vực phía nam): dinhquangledr@yahoo.com.

Rất mong Quý đồng nghiệp quan tâm, tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc năm 2024.

Trân trọng kính chào.

Filed Under: Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

Thông báo V/v Tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật nhân Đại hội nhiểm kỳ X và Kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Y học Tp Hồ Chí Minh

22/05/2024 by admin

Filed Under: Hoạt đông hội, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

Bệnh lý tiêu hóa từ góc nhìn đa chuyên khoa

20/05/2024 by admin

Ngày 14/4, Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TP.HCM (AGH), với sự hỗ trợ của hãng dược phẩm AstraZeneca, đã tổ chức hội nghị khoa học “Phòng ngừa và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa trên từ góc nhìn đa chuyên khoa”.

Hội nghị thuộc chương trình đào tạo y khoa liên tục của AGH. Hơn 400 bác sĩ đang hành nghề tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã tới TP.HCM tham dự hội nghị. Báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành về cơ xương khớp, hô hấp và tiêu hóa.

Phát biểu khai mạc hội nghị, BS-CKII. Trần Kiều Miên- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch AGH, khẳng định rằng đa chuyên khoa hóa góc nhìn bệnh lý tiêu hóa là chiến lược mới của AGH. Theo BS. Kiều Miên, từng cơ quan trong cơ thể người đều có mối liên hệ, tác động qua lại. Vì vậy, không thể tách rời bệnh lý tiêu hóa trong tiếp cận, đánh giá, phòng ngừa và điều trị.

“Theo chiến lược mới này, AGH đã tổ chức hội nghị khoa học trước đó với góc nhìn của các chuyên gia tim mạch trong phòng ngừa và điều trị bệnh lý tiêu hóa. Hôm nay, AGH tiếp tục tiếp tục góc nhìn đa chuyên khoa về bệnh lý tiêu hóa, cụ thể là bệnh lý đường tiêu hóa trên, với các chuyên gia cơ xương khớp và hô hấp. Rất mong các bác sĩ dự hội nghị cập nhật kiến thức và kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả vào thực tế lâm sàng…”- BS. Kiều Miên phát biểu.

TS-BS. Tăng Hà Nam Anh- Chủ tịch Hội Nội soi khớp và thay khớp Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về cơ xương khớp ở phía Nam, đã mở đầu chương trình báo cáo khoa học với chủ đề “Quản lý tối ưu tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do NSAID”. Được biết, NSAID là nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid, thường được dùng trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp.

Theo chuyên gia, nhóm thuốc NSAID được sử dụng rộng rãi để kiểm soát đau và viêm, với khoảng 30 triệu dân toàn thế giới bớt đau đớn mỗi ngày, với 700 triệu toa thuốc được kê mỗi năm. Ở nhiều quốc gia, NSAID thậm chí được mua mà không cần toa. Song, nhóm thuốc NSAID có không ít tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa.

Chuyên gia cũng dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, ước tính từ 15% đến 40% bệnh nhân dùng NSAID gặp phải các triệu chứng ở đường tiêu hóa trên. Phần lớn bệnh nhân bị tổn thương dạ dày sai liều NSAID đầu tiên, còn 10% tới 25% bệnh nhân dùng NSAID kéo dài phát triển thành loét. 80% số ca tử vong liên quan đến loét dạ dày, tá tràng xảy ra ở người sử dụng NSAID…

Đi sâu vào vấn đề tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do NSAID, chuyên gia khẳng định acid dịch vị đóng vai trò trung tâm, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào độ kềm trong dịch vị. Để điều trị và dự phòng loét niêm mạc đường tiêu hóa, chuyên gia đề xuất dùng Esomeprazole 20mg (một loại thuốc ức chế bơm proton-PPI), hoặc thuốc PPI khác (với liều tương đương)…

Trong đề tài “Nhận diện và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trên người bệnh hô hấp”, TS-BS. Lê Khắc Bảo- Phó Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Phó Trưởng khoa Hô hấp BV Nhân dân Gia Định, đã bàn luận về tính phổ biến của GERD trên người bệnh hô hấp. Theo chuyên gia, đối với người bệnh đến khám hô hấp vì ho kéo dài, kể cả người biết và không biết bệnh nền, thì phải đặt ra câu hỏi lâm sàng: Liệu GERD có phải là nguyên nhân.

Chuyên gia đã chỉ ra tần suất GERD biểu hiện qua triệu chứng hô hấp, với 13% ho mạn, 10% trào ngược họng thanh quản, 5% hen. Đáng chú ý, với người mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn trong lúc ngủ, các nghiên cứu cho thấy tăng tuyến acid dẫn tới GERD. Mối liên hệ giữa 2 bệnh lý này là càng tắc nghẽn thở trong lúc ngủ thì càng gồng, càng ráng thở, mà càng cố thì càng đưa acid lên cao (GERD nặng hơn). Khi GERD nặng hơn thì tần suất tắc nghẽn thở trong lúc ngủ càng nhiều hơn… Các mối liên hệ giữa người mắc các bệnh lý hô hấp khác như bệnh phổi mô kẻ, tắc nghẹn phổi mạn tính… với GERD cũng được chuyên gia đề cập.

Vấn đề chẩn đoán và điều trị GERD đối với bệnh nhân hô hấp, theo chuyên gia, dùng nhóm thuốc PPI điều trị thử trong khoảng 1 tới 2 tuần để khẳng định GERD là cách thực tế các bác sĩ hô hấp thường dùng. Sau khi xác định rõ ho kéo dài do GERD, ngoài biện pháp dùng thuốc, cũng với nhóm PPI, các bác sĩ hô hấp còn tăng cường hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống để không dùng thuốc.

Các khuyến cáo bao gồm: Tránh ăn uống 3 giờ trước khi ngủ; tránh nằm nghiêng bên phải với gối chống nghiêng; tránh uống rượu, cà phê, nước uống có ga, hút thuốc lá; giảm cân nặng; nâng cao đầu giường hoặc dùng gối tránh trào ngược; ăn mỗi bữa ít với 4, 5 bữa nhỏ thay vì chỉ 3 bữa lớn; tránh thức ăn nhiều gia vị, nhiều mỡ, tránh nằm ngay sau ăn; tránh mặc quần áo quá chật; nhai kẹo cao su để tăng tiết nước bọt trung hòa acid…

Sau góc nhìn đa chuyên khoa, PGS-BS. Quách Trọng Đức- Phó Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, đã đưa hội nghị trở lại chuyên môn sâu về tiêu hóa với đề tài “Xử trí GERD và phòng ngừa biến chứng NSAID: Góc nhìn tiêu hóa”. Chuyên gia đã cập nhật quan điểm mới nhất 2024 về với các Đồng thuận liên quan. Đây được xem là các hướng dẫn khoa học giúp bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa nhận diện và điều trị GERD.

Trong nội dung phòng ngừa biến chứng tiêu hóa do NSAID (nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid), chuyên gia đã làm rõ hơn cơ chế tổn thương niêm mạc tiêu hóa do NSAID. Đồng thời chỉ ra nguy cơ loét dạ dày, tá tráng do NSAID với từng loại cụ thể. Đặc biệt, chuyên gia còn cảnh báo tình trạng tổn thương đường tiêu hóa dưới do NSAID đang ngày càng nhiều hơn, trở thành thách thức lớn với các bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa…

Chuyên gia kết luận rằng, trong xử trí GERD, tiêu chuẩn vàng chẩn đoán đã có nhưng khó áp dụng trong tiếp cận ban đầu. Thực tế lâm sàng dựa trên triệu chứng và điều trị thử ban đầu. Trong xử trí GERD cần phối hợp thay đổi lối sống và dùng thuốc, với thuốc nền tảng tới thời điểm này là PPI.

Đối với phòng ngừa biến chứng do NSAID, chuyên gia khuyến cáo nên kiểm tra, diệt trừ H. pylory nếu dự kiến điều trị lâu dài; PPI giúp phòng ngừa biến chứng đường tiêu hóa trên nhưng không ngừa được tổn thương đường tiêu hóa dưới…

Thanh Giang

Filed Under: Hoạt đông hội, Hội nghị - Hội thảo, Thông tin khoa học, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

Phòng ngừa, điều trị loét dạ dày trên người bệnh cơ xương khớp và GERD dưới góc nhìn hô hấp

20/05/2024 by admin

Đó là nội dung của chương trình đào tạo y khoa liên tục do Liên chi hội Khoa Học Tiêu Hóa TPHCM với chủ đề “Phòng ngừa và điều trị bệnh lý tiêu hóa trên góc nhìn đa chuyên khoa” tổ chức sáng 14/4/2024, thu hút gần 450 bác sĩ, chuyên viên y tế từ TPHCM và các tỉnh lân cận đến tham dự.

Thông qua 3 bài báo cáo, các chuyên gia đã đem đến cái nhìn đa chiều về bệnh lý đường tiêu hóa trên dưới góc độ cơ xương khớp, hô hấp và tiêu hóa.

BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM chia sẻ: “Con người là một khối thống nhất, chúng ta không thể tách rời cơ quan này ra khỏi cơ quan khác. Trong chương trình hôm nay, chúng ta xem xét sự liên quan giữa việc điều trị cơ xương khớp, hô hấp với sự tăng tiết axit và các bệnh lý đường tiêu hóa trên, bên cạnh đó còn tìm hiểu cách sử dụng các loại thuốc NSAID như thế nào trong bệnh lý đường tiêu hóa.

Đó cũng chính là mục đích chúng tôi tổ chức hội thảo này. Trong đó, 3 bài báo cáo đã đi sâu vào hai vấn đề: Sử dụng PPI và thuốc NSAID thế nào trong bệnh lý cơ xương khớp và bệnh lý đường hô hấp kéo dài, ho mạn tính có liên quan đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản”.

BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM phát biểu khai mạc chương trình

Chương trình thu hút gần 450 bác sĩ, chuyên viên y tế từ TPHCM và các tỉnh lân cận đến tham dự

50 – 60% các trường hợp loét dạ dày tá tràng liên quan đến NSAIDs

Trong bài báo cáo “Quản lý tối ưu tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do NSAIDs” – TS.BS Tăng Hà Nam Anh – Chủ tịch Hội Nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam cho biết, có 4 kiểu đau thường gặp: đau cơ học, đau do viêm, đau xơ cơ, đau thần kinh. Thuốc chống viêm không steroid – NSAIDs luôn là nhóm thuốc đầu tay trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp. NSAIDs được sử dụng rộng rãi để kiểm soát đau và viêm, khoảng 700 triệu toa thuốc được kê mỗi năm và 40% bệnh nhân sử dụng NSAIDs trên 60 tuổi.

Tuy nhiên, NSAIDs có liên quan đáng kể đến các biến chúng dạ dày tá tràng. Nguy cơ tương đối về rối loạn thực quản ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dùng NSAIDs cao gấp đôi so với những bệnh nhân không dùng. 50 – 60% các trường hợp loét dạ dày tá tràng liên quan đến NSAIDs, xuất hiện lần đầu tiên như 1 biến chứng của thuốc, tổn thương đã xuất hiện âm thầm trước đó.

Trong một nghiên cứu trên 2.000 bệnh nhân đang điều trị bằng NSAID, 15% bệnh nhân có các triệu chứng ở đường tiêu hóa trên nhưng tỷ lệ lở loét không khác nhau giữa bệnh nhân có triệu chứng và không có triệu chứng. TS.BS Tăng Hà Nam Anh cho biết: “Trước khi xuất hiện một biến chứng tiêu hóa, hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng báo trước”.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh – Chủ tịch Hội Nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam

Bài báo cáo đề cập đến nguy cơ xuất huyết tiêu hóa tăng khi số lượng các yếu tố nguy cơ tăng lên. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi tác cao, liệu pháp NSAIDs liều cao, tiền căn loét, sử dụng aspirin, corticosteroids hoặc kháng đông,…

Khi nói về dự phòng lở loét và biến chứng do NSAIDs và Aspirin, TS.BS Tăng Hà Nam Anh khẳng định: “PPI là thuốc hiệu quả nhất trong điều trị và phòng ngừa các tổn thương, biến chứng và triệu chứng do thuốc gây ra”. Theo thử nghiệm lâm sàng, Esomeprazone 20mg có hiệu quả hơn các PPI khác trong việc chữa lành và ngăn ngừa lở loét do NSAIDs.

Cảnh giác bệnh trào ngược dạ dày thực quản trên bệnh nhân hô hấp

Chia sẻ về “Nhận diện và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) trên người bệnh hô hấp”, TS.BS Lê Khắc Bảo – Phó Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Đại Học Y Dược TP.HCM cho biết, dù GERD là bệnh tiêu hóa nhưng có thể biểu hiện ra bằng các bệnh hô hấp.

BS dẫn chứng có đến 13% các trường hợp GERD biểu hiện bằng ho kéo dài, 10% biểu hiện bằng trào ngược họng thanh quản và 5% có triệu chứng như hen. “Những con số này nhắc nhở bác sĩ khi bệnh nhân ho kéo dài cũng có khả năng là do trào ngược dạ dày thực quản, dù biểu hiện giống bệnh hô hấp nhưng không phải là bệnh hô hấp” – TS.BS Lê Khắc Bảo nói.

GERD là nguyên nhân gây ho kéo dài trong khoảng 20% trường hợp và là bệnh đồng mắc hay gặp của hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và bệnh phổi mô kẽ.

TS.BS Lê Khắc Bảo – Phó Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Đại Học Y Dược TP.HCM

TS.BS Lê Khắc Bảo chỉ ra thừa cân béo phì, hút thuốc, uống rượu bia và hoạt động quá mức là những yếu tố nguy cơ GERD trên người ho mạn. Nhận diện GERD trên người bệnh hô hấp dựa trên các yếu tố nguy cơ, đặc điểm ho mạn và các triệu chứng ngoài tiêu hóa của GERD. Chẩn đoán xác định GERD thường nhất là điều trị thử PPI liều cao 1 – 2 tuần. TS.BS Lê Khắc Bảo cũng lưu ý rằng, PPI chỉ hiệu quả trên hen có triệu chứng GERD rõ và triệu chứng hen về đêm.

Ho kéo dài do GERD có thể điều trị bằng các biện pháp thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc và phẫu thuật. BS khuyên bệnh nhân tránh ăn uống 3 giờ trước khi ngủ không ngủ nằm nghiêng phải; giảm cân; hạn chế rượu, cà phê, nước uống có ga và thuốc lá; tránh thức ăn nhiều gia vị, nhiều mỡ; chia thành 4 – 5 bữa ăn nhỏ mỗi ngày; tránh nằm ngay sau khi ăn; dùng gối chống trào ngược.

Đối với biện pháp dùng thuốc, các loại thuốc có thể sử dụng là Sucralfate, Cimetidine, Baclofen,…TS.BS Lê Khắc Bảo khẳng định: “Điều trị GERD cần phối hợp thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc với nòng cốt là PPI. Tùy theo tình hình đáp ứng, có thể tăng hoặc giảm liều PPI cho phù hợp với bệnh nhân”.

Thói quen ăn uống, sinh hoạt liên quan khởi phát triệu chứng trào ngược ở người Việt

Trong chương trình, PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam, Bộ môn Nội tổng quát – Đại học Y dược TP.HCM đã trình bày phần báo cáo với chủ đề “Xử trí GERD và phòng ngừa biến chứng NSAIDs: Góc nhìn tiêu hóa”.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức nhận định: “Tiêu chuẩn vàng chẩn đoán đã có nhưng khó áp dụng trong tiếp cận ban đầu do quá xâm lấn và sử dụng các thiết bị phức tạp, không thường quy và tốn kém cho bệnh nhân. Thực tế lâm sàng dựa trên triệu chứng và điều trị thử ban đầu nếu không có triệu chứng báo động”. Theo đồng thuận LYON, phương pháp chẩn đoán GERD thường dùng nhất là nội soi. Các phương pháp đo pH và trở kháng thực quản, đo chức năng vận động thực quản độ phân giải cao vẫn chưa phổ biến.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức cho biết, thói ăn uống, sinh hoạt liên quan khởi phát triệu chứng trào ngược ở người Việt. Trong đó, các thói quen như ăn quá no, ăn trước khi ngủ chỉ 2 tiếng đồng hồ, thức ăn nhiều chất béo, uống nhiều rượu bia, nước ngọt là nguyên nhân chính làm khởi phát GERD.

Theo hướng dẫn của Hội Tiêu hóa Mỹ năm 2022, vấn đề chẩn đoán, tiếp cận và điều trị GERD có hai phần quan trọng, quyết định chiến lược. Đầu tiên là tiếp cận, đưa ra điều trị thử tùy thuộc vào bệnh nhân có triệu chứng điển hình (ợ nóng – cảm giác nóng rát sau xương ức khi ở tư thế gập người, nằm ngay sau ăn) hay không. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng cổ điển (ợ nóng, ợ trớ) mà không có triệu chứng báo động, được khuyến cáo sử dụng PPI trong ít nhất 8 tuần. Nếu sử dụng ít hơn 8 tuần, các triệu chứng sẽ tái phát thường xuyên hơn. Khi bệnh nhân có triệu chứng điển hình và đáp ứng thuốc, bác sĩ sẽ giảm liều và ngưng thuốc chứ không sử dụng liên tục.

Trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng không điển hình như ho kéo dài, tằng hắng, vướng họng, bác sĩ cần hỏi bệnh nhân có triệu chứng trào ngược điển hình kèm theo không. Nếu không có, cần phải cân nhắc vì điều trị PPI hiếm khi nào cho thấy đáp ứng tốt. Nếu bệnh nhân có triệu chứng trào ngược điển hình, khuyến cáo là có thể điều trị thử PPI liều gấp đôi, thời gian kéo dài đến 12 tuần.

“Để xử trí trào ngược dạ dày thực quản cần thay đổi lối sống kết hợp với dùng thuốc, trong đó PPI là thuốc nền tảng ở thời điểm hiện tại” – PGS.TS.BS Quách Trọng Đức khẳng định.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam, Bộ môn Nội tổng quát – Đại học Y dược TPHCM

Khảo sát trên 171 bệnh nhân liên tiếp bị xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày – tá tràng nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho thấy tỷ lệ nhiễm H.pylori trên bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa là 94,1% và 25,1% có tiền sử sử dụng NSAID. “Như vậy, có một số lượng rất lớn bệnh nhân vừa có NSAIDs vừa có HP. Đây là một điểm báo động cho lâm sàng” – PGS.TS.BS Quách Trọng Đức cảnh báo bệnh nhân có HP có nguy cơ tổn thương loét dạ dày – tá tràng và xuất huyết tiêu hóa rất cao.

Phòng ngừa biến chứng tiêu hóa do NSAIDs được chia thành phòng ngừa tiên phát và phòng ngừa thứ phát. Đối với phòng ngừa tiên phát, nên kiểm tra và diệt trừ H.pylori nếu có ý định sử dụng NSAIDs lâu dài. Cần đánh giá toàn diện các nguy cơ tiêu hóa, tim mạch để quyết định chiến lược phòng ngừa thích hợp.

PGS.TS.BS Quách Trọng Đức nhấn mạnh: “Tổn thương đường tiêu hóa dưới do sử dụng NSAIDs phối hợp với PPI là một bệnh lý mới nổi và có nguy cơ diễn biến với tần suất ngày càng tăng khiến vấn đề xử lý khá phức tạp. Do đó, để cân bằng được mối quan hệ này, cần phải cân nhắc sử dụng PPI đúng liều cho đúng bệnh nhân”.

Phương Linh – AloBacsi.vn

 

Filed Under: Đào tạo liên tục (CME), Hội nghị, Hội nghị - Hội thảo, Thông tin khoa học, Tin tức - Thông báo

Chuyến viếng thăm Vườn tượng danh nhân Y học – Quy Nhơn, Bình Định

11/05/2024 by admin

Nhân dịp lần đầu tiên Hội nghị nội soi tiêu hóa toàn quốc tổ chức tại Quy Nhơn, Bình Định vào ngày 19 – 20/04/2024, Ban chấp hành Liên chi Hội Khoa học Tiêu Hóa TPHCM cùng các đồng nghiệp đến viếng thăm Vườn tượng danh nhân Y học để tỏ lòng tri ân, trân trọng các nhà khoa học, các thầy thuốc mà cuộc đời của họ là những tấm gương lớn về nhân cách, về y đức, về lòng kiên nhẫn và sự lao động không mệt mỏi, đã cống hiến trọn đời mình để nghiên cứu, phát minh nhiều công trình khoa học rất giá trị phục vụ con người.

Vườn tượng là bức tranh thiên nhiên rất đẹp, nhiều màu sắc ở trên vùng đất của một thung lũng yên bình với ba bề được núi rừng che chở và mặt còn lại hướng ra biển Quy Nhơn với bãi cát phẳng lì, ngày đêm có sóng biển vỗ dạt dào. Vườn tượng đã có hơn 72 bức tượng, trong số đó có hơn 41 tượng danh nhân y học thế giới và có 31 tượng danh nhân Y học Việt Nam. Các danh nhân y học là những giáo sư đầu ngành của Việt Nam, những người thầy của nhiều thế hệ thầy thuốc y dược, có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Có thể kể đến bao gồm Hải Thượng Lãn Ông (1726-1791), Tuệ Tĩnh (1330-1400), Phạm Ngọc Thạch (1909-1968), GS. Tôn Thất Tùng (1912-1982), GS. Hoàng Tích Trí (1903-1958), GS. Đặng Vũ Hỷ (1910-1972), BS. Hoàng Tích Mịnh (1904-2001), GS. Lê Kinh Duệ (1927-2001), GS. Từ Giấy (1921-2009), GS. Đỗ Nguyên Phương (1937-2008), GS.TSKH. Đặng Đức Trạch (1930-2004), GS. Nguyễn Xuân Nguyên (1907-1975), GS.TS. Trương Công Quyền (1908-2000), GS. Đặng Văn Chung (1911-1999), GS. Vũ Công Hòe (1911-1994), BS. Trần Hữu Nghiệp (1911-2006), GS. Trịnh Ngọc Phan (1914-1985), GS. Nguyễn Ngọc Doãn (1914-1987), GS. Hoàng Đình Cầu (1917-2005), GS. Chu Văn Tường (1922-2008), GS. Phạm Khắc Quảng  (1912-2000), GS. Nguyễn Trinh Cơ  (1915-1985), GS.TS. Võ Văn Vinh (1918-2010), GS.TS. Nguyễn Tăng Ấm (1919-2008), GS. Nguyễn Dương Quang, (1922-2015), GS. Đặng Thị Hồng Vân (1923-1997), GS. Nguyễn Như Bằng (1925-2012), GS. Dược học Lương Tấn Thành (1927-2010), GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan (1928-1997), GS. Lê Quang Toàn (1928-2012), GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân (1930-2017).

Dẫn đầu đoàn viếng thăm là BS. Trần Kiều Miên là con gái của Thầy Trần Hữu Nghiệp, thầy thuốc Nhân dân, người có công đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc trong 2 cuộc kháng chiến. Cuộc viếng thăm đong đầy cảm xúc và mang lại nhiều động lực cho các thế hệ trẻ tiếp tục sáng tạo không ngừng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

BS CKII Trần Kiều Miên (Chủ tịch LCH Tiêu Hóa TP HCM và TS BS Vũ Tuấn Anh (Giám Đốc Bệnh Viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa) cùng đoàn viếng thăm Danh nhân Y học

 

BS Trần Kiều Miên chụp ảnh cùng Thân phụ – Thầy Trần Hữu Nghiệp

 

BS Trần Kiều Miên cùng đoàn viếng thăm Danh nhân Y học

 

Đoàn viếng thăm thắp hương cho các Danh nhân Y học

 

 

Filed Under: Hoạt đông hội, Hội nghị - Hội thảo, Thông báo - Sự kiện, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN TỪ GÓC NHÌN ĐA CHUYÊN KHOA

29/03/2024 by admin

Phối hợp giữa Liên chi hội Khoa Học Tiêu Hóa HCM và AstraZeneca Việt Nam

Chương trình đào tạo y khoa liên tục

PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN TỪ GÓC NHÌN ĐA CHUYÊN KHOA

Hình thức:              Trực tiếp tại TP.HCM

Chủ tọa:

BS.CKII Trần Kiều Miên

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam

Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hoá TP. Hồ Chí Minh

 Báo cáo viên:

PGS.TS.BS. Quách Trọng Đức

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu Hóa Việt Nam

 TS.BS. Tăng Hà Nam Anh

Chủ tịch Hội Nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam

TS.BS. Lê Khắc Bảo  

Phó Chủ tịch, Hội Y học giấc ngủ Việt Nam

Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Đại Học Y Dược TP.Hồ Chí Minh 

Filed Under: Hội nghị - Hội thảo, Thông tin khoa học, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

Thông báo V/v cấp Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục

06/03/2024 by admin

Filed Under: Hoạt đông hội, Thông báo - Sự kiện, Thông tin khoa học, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

TP. Hồ Chí Minh: Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29

15/01/2024 by admin

Trong các ngày 1/12 – 2/12/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam (VNAGE) tổ chức Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29. Đây là lần thứ 3 hội nghị được tổ chức tại TP. Hồ Chi Minh, quy tụ 1.200 đại biểu là các Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa – gan mật trong nước và quốc tế về tham dự.

Trung tướng, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng, Chủ tịch VNAGE phát biểu khai mạc Hội nghị

5 loại ung thư tỷ lệ mắc nhiều tại Việt Nam có 3 loại liên quan đến tiêu hoá

Thông tin được Trung tướng, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị: Trong số 5 loại ung thư có số ca mắc mới cao nhất ở nước ta hiện nay có 3 loại thuộc cơ quan tiêu hóa là gan, dạ dày, đại trực tràng, còn lại là phổi và vú.

Trong đó, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, trở thành bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.000, cướp đi sinh mạng hơn 25.000 người.

Ung thư dạ dày đứng thứ 4 với khoảng gần 18.000 ca mắc mới, gần 15.000 người tử vong. Ung thư đại trực tràng mỗi năm ghi nhận gần 16.000 người mắc và hơn 8.000 người chết vì căn bệnh này.

Nguyên nhân khiến các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa tăng là do gene di truyền, tuổi tác, môi trường, chế độ ăn, bia rượu… Trong số nhóm ung thư tiêu hóa, ung thư gan – mật – tụy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Và ung thư tiêu hoá đang có xu thế trẻ hoá.

Người đứng đầu Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam cho rằng những con số này đòi hỏi cần đầu tư nghiên cứu về bệnh đường tiêu hóa để góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả, giảm gánh nặng bệnh tật.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên động viên Ban tổ chức Hội nghị

Ung thư đường tiêu hóa thường tiến triển âm thầm, các triệu chứng mờ nhạt, mơ hồ, không điển hình như đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi… nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Hiện nay, với công nghệ nội soi, các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, ung thư đường tiêu hóa có thể phát hiện, chữa khỏi ở giai đoạn sớm.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đường tiêu hóa như gene di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống, chế độ ăn uống… Trong đó, thói quen gây bệnh hàng đầu là uống rượu thường xuyên gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ít rau, ăn thực phẩm muối mặn lâu ngày như cà, dưa muối, ăn thực phẩm cháy sém, thịt nướng, đồ ăn quá nóng hay quá lạnh…

Mọi người nên khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng đường tiêu hóa. Người có nguy cơ cao mắc ung thư tiêu hóa là trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị ung đường tiêu hóa, tiền sử viêm dạ dày, từng phát hiện có khuẩn HP, đại tiện ra máu… Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường, không chủ quan.

Bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ và thịt đỏ, hạn chế thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói, nấm mốc và các chất độc hại khác. Không dùng các thực phẩm nghi ngờ bị hỏng hoặc bảo quản quá lâu ngày. Thận trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn; đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa bia rượu. Bổ sung nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa như trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, rau xanh, cà tím… Nên nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, tránh căng thẳng, stress kéo dài. Cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh các mối nguy hiểm môi trường, tránh hóa chất…

Hội nghị quy tụ 1.200 đại biểu là các Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa – gan mật về tham dự

10 chuyên đề với 72 bài báo cáo, bao quát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiêu hóa

Hội nghị năm nay có 72 báo cáo khoa học của các chuyên gia đầu ngành, giáo sư, y bác sĩ trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ và 65 báo cáo viên đến từ các bệnh viện trên toàn quốc. Các báo cáo này sẽ trình bày trong 10 chuyên đề, trong đó 4 chuyên đề về đào tạo liên tục. Việc đào tạo liên tục (CME) là một việc quan trọng và được Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam duy trì đều đặn từ năm 2020 đến nay và được nhiều bác sĩ quan tâm.

PGS.TS Vũ Văn Khiên – Tổng Thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam thông tin: “Hội nghị có 3 báo cáo viên đến từ Nhật Bản là những chuyên gia về tiêu hóa – gan mật, đặc biệt là bệnh lý ung dạ dày, ung thư đại tràng. Các chuyên gia đến từ Singapore báo cáo chuyên đề về bệnh lý ruột mãn tính (IBD). Ngoài ra, chuyên gia quốc tế còn báo cáo về một tình trạng đang có xu hướng gia tăng tại châu Á, trong đó có Việt Nam, đó là béo phì”.

Đề cập đến những điểm mới của hội nghị năm 2023, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết thêm: “Một là lĩnh vực đường tiêu hóa, đề cập đến các vấn đề phát hiện, sàng lọc các bệnh lý đường tiêu hóa trên, đặc biệt là ung thư như ung thư dạ dày, ung thư thực quản và việc ứng dụng các kỹ thuật nhằm phát hiện các ung thư đường tiêu hóa dưới.

Hai là về bệnh lý gan mật, điểm nhấn là các báo cáo sử dụng các kỹ thuật mới như siêu âm nội soi, kỹ thuật nội soi phóng đại màu hoặc sử dụng công nghệ AI nhằm phát hiện sớm các tổn thương. Bên cạnh đó, có một số bài trình bày về các tác nhân, yếu tố nguy cơ dễ đưa đến hình thành các bệnh lý về dạ dày, đại tràng, cũng như ung thư dạ dày”.

Hội nghị vinh danh 5 nhà khoa học tiêu biểu năm 2023

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và thực hành lâm sàng trong lĩnh vực tiêu hóa được đề cập, Hội nghị khoa học lần này còn giới thiệu Bản đồng thuận (bản cập nhật mới nhất 2022) về chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng. Đây là một rối loạn mạn tính của đường tiêu hóa trên không do bất kỳ tổn thương thực thể nào gây nên, với tỷ lệ mắc vào khoảng 20% trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, theo GS.TS Mai Hồng Bàng, trong thực hành lâm sàng, các thầy thuốc lĩnh vực tiêu hóa còn nhiều băn khoăn trong chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng do chưa có tài liệu hướng dẫn chính thức. Vì vậy, VNAGE đã xây dựng Bản đồng thuận về chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng lần thứ nhất năm 2022.

“Bản đồng thuận gồm 14 khuyến cáo về 2 lĩnh vực: Chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán; điều trị khó tiêu chức năng. Tôi trân trọng giới thiệu đến quý đồng nghiệp Bản đồng thuận lần thứ nhất này và rất mong tài liệu sẽ giúp ích trong công tác thực hành lâm sàng”, GS.TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29, lãnh đạo VNAGE đã vinh danh các đơn vị tài trợ; tổng kết và trao giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ 2023; cấp chứng chỉ CME đến các thầy thuốc tham dự Hội nghị theo quy định… Cũng nhân dịp này, VNAGE đã vinh danh 5 giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học tiêu biểu có nhiều cống hiến vì sự nghiệp khoa học Tiêu hóa Việt Nam: GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, PGS.TS Phạm Thị Thu Hồ, GS.TS Lê Quang Nghĩa, BS.CK2 Trần Ngọc Bảo, BS Hoàng Trọng Châu. Đây là năm thứ 2 ban tổ chức tổ chức lễ vinh danh này.

Hiền Thảo (tổng hợp)

Filed Under: Hội nghị, Hội nghị - Hội thảo, Thông báo - Sự kiện, Tin tức - Thông báo

Thư mời Hội nghị Khoa học tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29

29/11/2023 by admin




















Filed Under: Hoạt đông hội, Hội nghị, Hội nghị - Hội thảo, Thông báo - Sự kiện

Thông báo V/v Đăng ký tên bài báo cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc năm 2023

24/07/2023 by admin

THÔNG BÁO

V/v: Đăng ký tên bài báo cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc năm 2023

Kính chào Quý đồng nghiệp,

Liên chi hội khoa học Tiêu hóa TPHCM xin gửi đến quý đồng nghiệp thông báo về việc đăng ký tên bài báo trước (phần abstract sẽ gửi sau) để dự kiến khung chương trình cho Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc năm 2023.

Hạn chót: ngày 31/07/2023

Liên hệ gửi bài như sau: BS.CKII Lê Đình Quang – Địa chỉ email gửi bài (khu vực phía nam): dinhquangledr@yahoo.com.

Rất mong Quý đồng nghiệp quan tâm, tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia báo cáo khoa học tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc năm 2023.Trân trọng kính chào.


Trân trọng kính chào.

Filed Under: Hoạt đông hội, Thông báo - Sự kiện, Tin nội bộ, Tin tức - Thông báo

  • « Previous Page
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • …
  • 6
  • Next Page »

LỊCH TUẦN

HỘI KHOA HỌC TIÊU HÓA TP.HCM

Lầu 9, Số 10 Trương Định, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
ĐT: 028 39336688-186
khoahoctieuhoa@gmail.com

GIỚI THIỆU

  • Giới thiệu
  • Sơ đồ tổ chức
  • Ban chấp hành
  • Ban thư ký

CHUYÊN ĐỀ

  • Tổng quan
  • Nghiên cứu lâm sàng
  • Trường hợp lâm sàng
  • Thông tin khoa học
  • Y học thực chứng

THÔNG BÁO – SỰ KIỆN

  • Tin tức – Thông báo
  • Hoạt đông hội
  • Tin nội bộ
HỘI KHOA HỌC TIÊU HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đang chạy thử nghiệm