Những tiến bộ mới trong điều trị tiêu hoá của Mỹ
Những lợi ích và tính an toàn của PPI trong điều trị GERD, tiệt trừ H.Pylori, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, xử trí xuất tiêu hóa cấp tính… đã được các chuyên gia đến từ Mỹ và Việt Nam thảo luận sôi nổi tại hội thảo diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây.
Trong hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay thuốc PPI được sử dụng rất rộng rãi trên toàn thế giới trong điều trị các bệnh lý ở dạ dày. Điều đó nói lên tính hiệu quả của nó, song ngay từ những bước đầu thực hiện cũng như thực hành lâm sàng, các tác giả, nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều cảnh báo về tác dụng phụ của PPI, trong đó đặc biệt là các vấn đề về tiêu hóa.
Quy tụ hàng trăm bác sĩ
Ngày 24-6, Hội Khoa học Tiêu hóa TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng AstraZeneca đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Những tiến bộ trong điều trị bệnh tiêu hóa trên cập nhật từ tuần lễ bệnh tiêu hóa Mỹ 2018” đem đến những thông tin hữu ích, quý giá trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh tiêu hóa trên như GERD, xuất huyết tiêu hóa, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan… Hội thảo quy tụ hàng trăm các bác sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ… với 4 báo cáo. Trong đó có 2 báo cáo cập nhật các vấn đề bệnh tiêu hóa của GS.BS Peter James Karilas, PGS.TS.BS Quách Trọng Đức và 2 báo cáo các trường hợp lâm sàng liên quan đến tiệt trừ Helicobacter pylori, xuất huyết tiêu hóa của ThS.BS Lê Đình Quang, TS.BS Trần Hà Hiếu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, BS.CK2 Trần Kiều Miên – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM chia sẻ: “Đều đặn nhiều năm qua, mỗi khi kết thúc hội nghị tiêu hóa lớn nhất tại Mỹ – DDW thì thành viên của hội lại được cập nhật những thông tin mới nhất xung quanh các vấn đề bệnh tiêu hóa. Đây là cơ hội để các đồng nghiệp được thảo luận, tiếp cận và cập nhật những kiến thức mới từ các chuyên gia trên thế giới. Năm nay, GS.BS Peter James Kahrilas từ Chicago, Mỹ tiếp tục mang sứ mệnh truyền tải thông tin mới nhất về bệnh tiêu hóa tại hội nghị DDW. Ông là tác giả của nhiều bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành và là người đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực tiêu hóa trên thế giới. Bên cạnh đó, thì hội nghị năm nay còn có các phiên báo cáo của các đồng nghiệp đến từ BV Quân y 175, Đại học Y Dược TPHCM… giúp khách mời tham dự có góc nhìn đa chiều, từ lý thuyết đến thực tiễn trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa trên”.
Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, trong báo cáo “Những điểm mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa – Cập nhật từ DDW 2018” – GS.BS Peter James Karilas – Đại học Northwestern, Chicago, Mỹ đã chắt lọc nhiều thông tin hữu ích từ hội nghị tiêu hóa lớn nhất hằng năm của Mỹ cho khách mời tham dự hội thảo. GS.BS Peter James Karilas cho biết, hiện nay thuốc PPI được sử dụng rất rộng rãi trên toàn thế giới trong điều trị các bệnh lý ở dạ dày. Điều đó nói lên tính hiệu quả của nó, song ngay từ những bước đầu thực hiện cũng như thực hành lâm sàng, các tác giả, nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều cảnh báo về tác dụng phụ của PPI, trong đó đặc biệt là các vấn đề về tiêu hóa.
PPI làm giảm acid để điều trị các bệnh có liên quan đến tăng tiết acid, tuy nhiên khi giảm acid mà sử dụng kéo dài thì sẽ dẫn đến hệ quả đưa đến tác dụng không mong muốn như làm tăng viêm dạ dày do HP, ung thư dạ dày, thậm chí có giả thuyết còn cho rằng sẽ dẫn đến ung thư đại tràng… Ngoài ra, nó còn gây rối loạn hấp thu canxi, tương tác thuốc… Tuy nhiên, GS đã dựa trên những chứng cứ y học đưa ra các phân tích về lợi ích cũng như tính an toàn của việc sử dụng PPI như, bệnh nhân GERD và có biến chứng liên quan đến acid nên sử dụng PPI trong thời gian ngắn để chữa lành và kiểm soát triệu chứng lâu dài. Bên cạnh đó, PPI được cân nhắc là điều trị đầu tay đối với viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, là yếu tố then chốt trong tất cả các phác đồ tiệt trừ H.pylori.
Nên xem xét điều trị PPI
Với những bệnh nhân khó tiêu có triệu chứng dai dẳng, mặc dù đã tiệt trừ thành công H.Pylori hoặc ở những bệnh nhân không nhiễm có triệu chứng đau thượng vị, cũng nên xem xét điều trị PPI trong thời gian ngắn. Ngoài ra, điều trị PPI liều chuẩn được sử dụng nhằm bảo vệ dạ dày ở những bệnh nhân tăng nguy cơ chảy máu tiêu hóa do điều trị chống kết tập tiểu cầu và ở những bệnh nhân viêm tụy mãn tính, suy tụy thì PPI là điều trị thêm vào cùng với liệu pháp enzym thay thế. Báo cáo tiếp theo của PGS.TS.BS Quách Trọng Đức – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều sự chú ý, thảo luận của các bác sĩ, dược sĩ trong hội trường. Chia sẻ trong báo cáo “Cập nhật chẩn đoán và xử trí xuất huyết tiêu hóa trên không do tăng áp tĩnh mạch cửa” – PGS Đức cho hay, trên thế giới đã có những hướng dẫn chung cho điều trị xuất huyết tiêu hóa trên cấp tính không do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Việc áp dụng các phác đồ điều trị mang lại lợi ích rất nhiều cho người bệnh cũng như giảm chi phí điều trị.
Trong đó, khi xử trí xuất tiêu hóa cấp tính không do tăng áp lực tĩnh mạch cửa tại cơ sở không có khả năng nội soi đường tiêu hóa trên thì thông thường, việc dùng PPI trước nội soi là không bắt buộc, tuy nhiên nên dùng nếu không thể tiến hành nội soi can thiệp tối ưu trước 24 giờ. Nếu có chỉ định sử dụng thì ưu tiên ngay PPI đường tiêm truyền liều cao, chuyển sang dạng uống sau khi hoàn tất truyền tĩnh mạch. Trường hợp bệnh nhân tại cơ sở có khả năng nội soi đường tiêu hóa trên nhưng không có khả năng cầm máu qua nội soi hoặc có khả năng nội soi và cầm máu qua nội soi thì cần tiến hành sớm nội soi dạ dày tá tràng trong 24 giờ để chẩn đoán xác định và đánh giá nguy cơ chảy máu tái phát trên nội soi. Ưu tiên sử dụng ngay PPI đường tiêm truyền liều cao trước khi nội soi cấp cứu, ví dụ esomeprazole 80mg tiêm tĩnh mạch sau đó truyền liên tục mỗi 8mg/giờ trong 72 giờ, sau đó duy trì bằng đường uống 40mg/ngày. Sau đó, chuyển sang dạng uống khi hoàn tất truyền tĩnh mạch.
PGS Đức cho biết: “Trường hợp điều trị cầm máu qua nội soi lần đầu không thành công, cần hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa để xem xét khả năng phẫu thuật. Trường hợp chảy máu tái phát tiến hành nội soi lần 2 để cầm máu, nếu vẫn tiếp tục chảy máu cần hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa để phẫu thuật hoặc nếu có điều kiện với bác sĩ điện quang can thiệp để tiến hành nút mạch”. Ông cũng lưu ý, sau khi xuất huyết tiêu hóa đã ổn định cần xét nghiệm Helicobacter pylori và điều trị diệt HP theo phác đồ 1 PPI + 2 kháng sinh, không nên điều trị diệt HP trong giai đoạn đang chảy máu.
PHƯƠNG NGUYÊN
Sức khỏe Cộng đồng