Mắc trào ngược dạ dày thực quản phải điều trị bao lâu?
Bệnh nhân có thể phải điều trị 8 tuần hoặc 12 tuần, thậm chí là suốt đời. Đây là câu trả lời của các chuyên gia đầu ngành Tiêu hóa tại hội thảo “Tuân thủ điều trị trào ngược dạ dày thực quản từ căn bản đến chuyên sâu”, do Liên chi hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM tổ chức sáng nay (20/3).
“Lửa tắt mà vẫn còn tro than nóng”
Theo PGS.BS Quách Trọng Đức (ĐH Y dược TP.HCM), trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hiện tượng sinh lý bình thường mà ai cũng có thể mắc phải. Song, người bị GERD với tần suất lớn, đồng thời nồng độ PH đo được trong dạ dày dưới 4, thì được xem là mắc bệnh lý GERD.
Người mắc bệnh lý GERD thường có triệu chứng ợ nóng, ợ chua, miệng tiết nhiều nước bọt, khản giọng và ho, đau ngực… Ngoài ra, GERD khi trở thành bệnh lý, trong một số trường hợp còn đính kèm những hội chứng ngoài thực quản: Viêm thanh quản; hen; mòn men răng; viêm xoang; xơ hóa phổi; viêm hầu họng; viêm tai giữa…
“Vì vậy, vấn đề điều trị GERD là mối bận tâm không chỉ của các bác sĩ lĩnh vực tiêu hóa, mà bác sĩ ở nhiều lĩnh vực khác cũng phải tìm hiểu”- PGS.BS Quách Trọng Đức chia sẻ. Về cơ bản, GERD là tình trạng có lượng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Trong rất nhiều nguyên nhân, có hai nguyên nhân cơ bản là dạ dày dư acid và cơ thắt thực quản dưới bị yếu đi, không chặn được acid trào lên.
Từ trước tới nay, rất nhiều giả thuyết cho rằng GERD có diễn tiến bệnh từ nhẹ đến nặng và “đỉnh điểm” có thể gây ung thư thực quản. Tuy nhiên, PGS.BS Quách Trọng Đức cập nhật các nghiên cứu mới nhất để chỉ ra rằng, GERD là những “kiểu hình ít thay đổi theo thời gian”. Đây là lập luận khoa học quan trọng bác bỏ giả thuyết GERD ngày càng nặng và gây ung thư thực quản.
Sau tin vui nói trên, PGS.BS Quách Trọng Đức thông tin thêm, “tới thời điểm này chưa có thầy, chưa có thuốc nào có thể can thiệp triệt để sinh lý bệnh GERD, mà chỉ có thể điều trị kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát mà thôi”.
Mặc dù vậy, hy vọng thoát khỏi bệnh lý trào ngược rất khó chịu này vẫn còn, dựa vào các hoạt chất ức chế “bơm Proton” được gọi tắt là PPI. PGS.BS Quách Trọng Đức, ngay khi xác định chính xác bệnh lý GERD mà không nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn chức năng khác, sử dụng PPI để điều trị có thể kiểm soát hiệu quả các triệu chứng của GERD trong vòng 8 tuần, một số trường hợp phải kéo dài 12 tuần.
PGS.BS Quách Trọng Đức đặc biệt nhấn mạnh đến chủ đề “tuân thủ điều trị” của hội thảo. Theo đó, khi sử dụng PPI trong điều trị GERD, hầu hết bệnh nhân sẽ giảm thiểu gần như hoàn toàn triệu chứng chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là điều tuyệt vời của khoa học khi liên tục tạo ra nhiều hoạt chất PPI, song cũng trở thành vấn nạn bỏ ngang liệu trình điều trị. “Đa số người bệnh cứ thấy hết triệu chứng là ngưng thuốc luôn”- PGS.BS Quách Trọng Đức nói.
Tuy nhiên, theo PGS.BS Quách Trọng Đức, điều này hết sức nguy hiểm bởi “lành triệu chứng như lửa đã tắt mà tro than vẫn còn nóng, chỉ lần làn gió nhẹ tro than nóng lại bùng cháy”. Điều này có nghĩa là, dù triệu chứng đã hết nhưng người bệnh cần tuân thủ thời gian dùng đủ thuốc mà bác sĩ đề ra, để ngăn ngừa tái phát hiệu quả nhất.
Liên quan đến vấn đề tái phát, PGS.BS Quách Trọng Đức nói nhiều trường hợp người bệnh dù đã dùng đủ PPI 8 tuần, thậm chí 12 tuần, song cứ ngưng dùng thuốc sau 3 tháng là tái phát. “Nếu tình trạng tái phát GERD cứ lặp lại thường xuyên thì người bệnh đành phải sử dụng thuốc lâu dài”- PGS. Đức lưu ý. Chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa cũng đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người mắc bệnh lý GERD về việc thay đổi lối sống và cách ăn uống, sinh hoạt.
PPI mới nhất
Theo TS.BS. Vũ Trường Khanh (BV Tâm Anh Hà Nội) trình bày tại hội thảo, PPI lần đầu tiên được sáng chế vào năm 1978 với tên gọi Omeprazole. Kể từ đó tới nay, có 4 loại PPI khác đã được sáng chế để ứng dụng trong điều trị GERD (Lansoprazole; Pantoprazole; Rabeprazole; Esomeprazole). Trong đó, Esomeprazole là PPI mới nhất và đạt hiểu quả điều trị cao nhất.
BS. Khanh đã dẫn các nghiên cứu để chỉ ra rằng, các loại PPI càng ra đời về sau này càng có ưu thế trong điều trị GERD. Với Esomeprazole, thời gian tác dụng vừa nhanh mà hiệu quả lại kéo dài. Với các trường hợp mắc GERD có triệu chứng nặng, Esomeprazole có ưu thế hơn các PPI khác. Tuy nhiên, để Esomeprazole nói riêng và tất cả PPI có tác dụng tốt trên bệnh nhân GERD, cần tuân thủ dùng thuốc trước bữa ăn sáng hoặc trước bữa ăn đầu tiên trong ngày.
Cũng theo BS. Khanh, trong điều trị GERD việc thay đổi lối sống, nhịp sinh hoạt là rất quan trọng. Song, thực tế cho thấy chuyện này là “thiên nan vạn nan” bởi ai cũng quen với cuộc sống của mình, rất khó thay đổi. Đó là lý do cho đề xuất “trước bữa ăn đầu tiên trong ngày”, bởi lời dặn uống thuốc trước khi ăn sáng rất nhiều người đâu dễ thực hiện, vì việc làm bận bịu đâu có cơ hội ăn sáng.
Kẻ phá hủy giấc ngủ
Tại hội thảo, PGS.BS. Trần Thị Khánh Tường (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã chỉ ra mối liên hệ giữa GERD triệu chứng về đêm và rối loạn giấc ngủ. Trong 3 tháng trước đó mà một người có những vấn đề sau đây sẽ được xem là mắc GERD về đêm: Thức giấc về đêm do các triệu chứng GERD; thức giấc về đêm do ho hoặc sặc, ợ trớ chất lỏng hoặc thức ăn và vị chua hoặc đắng; có các triệu chứng GERD ở tư thế nằm ngửa; thức giấc buổi sáng thứ phát sau các triệu chứng GERD.
GERD về đêm khiến người mắc khó đi vào giấc ngủ; đang ngủ thì bị đánh thức bởi các triệu chứng; khi lỡ thức giấc rồi thì rất khó trở lại giấc ngủ. Người mắc GERD về đêm thường thức giấc sớm và cảm thấy mệt mỏi dù ngủ đủ thời gian. Ngoài ra, GERD về đêm còn “đẻ” ra chứng “trào ngược yên lặng”. Người mắc dù có những dấu hiệu khách quan của GERD nhưng lại không có triệu chứng điển hình hoặc bất kì triệu chứng nào.
Điều đáng nói là, GERD về đêm thường khiến người mắc “dính” luôn bệnh đi kèm là ngưng thở ngủ tắc nghẽn, gọi tắt là OSA. Theo PGS. Khánh Tường, bên cạnh điều trị với PPI theo y lệnh bác sĩ, người mắc GERD về đêm nên tránh ăn ít nhất 3 giờ trước khi ngủ; nâng cao đầu giường; tránh nằm nghiêng bên phải trong lúc ngủ; nên tắt đèn lúc ngủ để tránh những xáo trộn, giúp có được giấc ngủ bình thường.
“GERD về đêm gây rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Còn mối liên quan giữa GERD và rối loạn giấc ngủ luôn là 2 chiều, tạo ra vòng lẩn quẩn khi GERD khiến mất ngủ nhiều hơn, còn mất ngủ khiến GERD cũng trầm trọng hơn…”- PGS. Khánh Tường chia sẻ thêm.
Thanh Giang
Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn